Hậu khóa học...

27/07/2012 04:00 GMT+7

Trở về từ những chương trình “Học kỳ quân đội” hay các khóa rèn luyện kỹ năng - giá trị sống, trải nghiệm hè, hầu hết các bạn trẻ tham gia đều có vẻ tự tin hơn, trưởng thành hơn. Các em hăm hở trở lại gia đình với bao khao khát, nhiệt huyết muốn ứng dụng những điều hay ý đẹp mình vừa được học, được rèn tập.

Thật tuyệt vời nếu các em có được sự cộng hưởng tích cực từ gia đình và cộng đồng để có thể thực hành, duy trì những phẩm chất tốt đẹp sau khóa học. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít học viên đã bị “vỡ mộng”. Một giảng viên đảm nhiệm nhiều khóa huấn luyện giá trị sống tại TP.HCM và một số tỉnh, thành khác đã trăn trở rằng, nhiều bạn trẻ hiện nay đang bị khủng hoảng niềm tin vào cuộc sống. Bởi, các em không tìm thấy hoặc thấy hiếm hoi những tấm gương, những cách hành xử tốt đẹp diễn ra trong ngôi nhà mình và môi trường xung quanh.

Như để minh chứng, anh cho chúng tôi xem hàng loạt tin nhắn từ học viên trên điện thoại di động của mình. Trong đó, có những câu: “Thầy ơi! Em muốn giúp người khác sống tốt hơn nhưng chẳng ai nghe em cả”; “Em thấy nặng nề với những người xung quanh, em tốt với mọi người nhưng không ai sống tốt với em”; “Thầy khuyên chúng em đừng bao giờ sống gian dối nhưng khi về nhà, em thấy ba mẹ mình và những người thân hay bàn bạc những phi vụ làm ăn, bất chấp mọi thứ miễn sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Em thấy mình mất phương hướng”; “Em muốn cố gắng sống tốt, không chỉ là một phút, một giờ, một ngày mà là mãi mãi. Nhưng sao khó quá thầy ơi!”...

Theo một cán bộ phụ trách các khóa huấn luyện thuộc Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, những chương trình “đinh” của trung tâm này hiện nay là bồi đắp những giá trị sống như Học kỳ quân đội, Một ngày để sống… nhằm góp phần hình thành những con người có nhân cách, phẩm chất tốt. Mặc dù đã xác định hướng đi nền tảng “dạy thành người trước khi thành tài” như vậy, song vị này cũng nhìn nhận: Thử thách lớn nhất của những người tổ chức chính là hậu khóa học, bởi lúc đó phần lớn các em phải trở lại cuộc sống đời thường với bao xô bồ, thậm chí là đối mặt với những chuyện ô tạp.

Có những phụ huynh sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng để đăng ký cho con em mình theo học những khóa huấn luyện nói trên. Họ muốn những cô cậu thuộc “thế hệ gấu bông” quen được bảo bọc từ A đến Z, chỉ trong một thời gian ngắn sẽ trở nên biết sống tự lập, biết tự chăm sóc bản thân đồng thời sẽ giã biệt những thói quen xấu... Tất cả những kỳ vọng này họ hoàn toàn trông đợi phép mầu đến từ chương trình và những người huấn luyện mà quên mất một liệu pháp căn bản nhất, bền vững nhất: Đó là việc làm gương qua cách sống, cách hành xử cụ thể của chính bản thân mình trong gia đình và ngoài xã hội.

 Như Lịch

>> Học kỳ quân đội 2012: miễn phí 100 bạn nghèo
>> Trải nghiệm thú vị với "Học kỳ quân đội
>> “Chiến sĩ” nhí tham gia Học kỳ quân đội
>> Ra quân Học kỳ quân đội nâng cao
>> Đà Nẵng làm lễ xuất quân Học kỳ quân đội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.