Góc nhìn phóng viên:

Hậu quả của sự cứng nhắc

Khánh Hoan
Khánh Hoan
09/06/2023 07:07 GMT+7

Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư với kinh phí gần 28 tỉ đồng nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân Ơ Đu sống ở vùng cao Nghệ An.

Năm 2020, đề án này đã xây 67 chuồng bò cho người dân, kinh phí mỗi chuồng từ 127-236 triệu đồng và cấp 304 con bò cho 77 hộ dân. Tuy nhiên, đến nay đàn bò chỉ còn 180 con, số còn lại đã bị người dân bán và chết vì dịch bệnh. Bò được cấp giá 15 triệu đồng/con nhưng người dân chỉ bán được 5-7 triệu đồng/con.

Nguyên nhân khiến đàn bò giảm quá nhanh là do bò được mua từ các huyện miền xuôi mang lên nên không phù hợp với địa hình và khí hậu vùng này, khiến bò bị bệnh và chết. Mỗi gia đình được nhận cùng lúc 4 con bò trong khi nguồn thức ăn không đáp ứng đủ khiến bò bị sụt cân nhanh, người dân phải bán tháo.

Trước khi giao bò, cơ quan chức năng địa phương đã buộc người dân nhận nuôi ký cam kết không tự ý bán bò, không chuyển đổi sang gia súc khác và chỉ được bán bê con để duy trì đàn và chỉ bán bò mẹ khi đã đẻ được 5-6 lứa trở lên. Tuy nhiên, tờ cam kết này đã không thể giữ được bò...

Người Ơ Đu ở xã Nga My còn rất nghèo, chính sách "hỗ trợ cần câu" thay vì "cho con cá" là rất nhân văn và tưởng chừng rất đúng hướng, nhưng cách làm cứng nhắc đã khiến hiệu quả đề án quá thấp.

Tiếp xúc với người viết, nhiều người dân ở đây cho rằng thay vì để người dân tự chọn vật nuôi (trâu, bò, dê, lợn…) thì đề án lại buộc 77 hộ dân phải nuôi bò, trong khi nhiều gia đình không có kinh nghiệm nuôi bò và không có khả năng cung cấp đủ thức ăn cho bò khiến bò bị ốm, chết.

Đã có khá nhiều đề án hỗ trợ người dân vùng cao bị thất bại mà nguyên nhân chính vẫn là cách làm cứng nhắc, không phù hợp với khả năng và nhu cầu của người được thụ hưởng. Hậu quả của sai lầm này không chỉ gây lãng phí tiền của mà còn làm giảm giá trị chính sách an sinh của nhà nước dành cho người dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.