Tuy chính giới ở hai phía chưa chính thức lên tiếng thể hiện quan điểm thái độ nhưng cuộc khẩu chiến quyết liệt liên quan chuyện này chỉ là vấn đề thời gian.
Nữ phóng viên Sarah Rainford của BBC (Anh) không được Nga gia hạn thị thực làm việc ở Nga sau 7 năm hoạt động báo chí cho hãng này ở Nga. Truyền hình Nga khai thác triệt để hiệu ứng truyền thông của vụ việc, coi đó là phản ứng của Nga trả đũa việc Anh không đáp ứng yêu cầu về thị thực làm việc cho các phóng viên Nga hoạt động tại Anh. Điều đáng chú ý là truyền hình Nga sử dụng khái niệm “trục xuất” trong trường hợp bà Rainford.
Cả trên danh nghĩa chính thức lẫn nghĩa đen của ngôn từ, “trục xuất” và “không gia hạn thị thực làm việc” hoàn toàn khác nhau. Không gia hạn thị thực làm việc là quyết định không vi phạm gì tới thỏa thuận hay cam kết trước đó, trong khi trục xuất là chuyện bất ngờ xảy ra và rất nặng nề, thông thường phải đi cùng với sự giải thích thỏa đáng và bằng chứng của phía quyết định trục xuất.
Trên thực tế, trong mối quan hệ hiện tại giữa Anh và Nga thì hai khái niệm khác nhau giờ có cùng nghĩa như nhau và chẳng khác gì, nhưng cung cách thường được thực hiện trong ngoại giao và quan hệ giữa các quốc gia với nhau là ăn miếng trả miếng và có đi có lại. Quan hệ Nga với Anh nói riêng và với phương Tây nói chung sẽ còn tiếp tục tồi tệ thêm nữa.
Bình luận (0)