Hậu Uber sáp nhập Grab: Khách hàng than khó, cơ hội cho xe nội?

Mai Hà
Mai Hà
10/04/2018 12:13 GMT+7

Trung thành với Uber, nhiều khách hàng tỏ ra bối rối khi ứng dụng này dừng hoạt động từ rạng sáng 9.4, nhất là trong bối cảnh giá cước Grab bị chê đắt, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm.

Chị Nguyễn Phương Liên (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đã sử dụng dịch vụ của Uber gần 3 năm nay. Dù mới chỉ đi thử 3 chuyến với Grab sau khi ứng dụng Uber dừng hoạt động, nhưng chị không hài lòng với chất lượng dịch vụ khi bị hủy 1 cuốc đi ngắn.
“Uber không cho tài xế biết trước điểm đến và còn khuyến khích chạy nhiều cuốc để thưởng nên tài xế rất dễ chịu. Grab cho phép tài xế biết trước điểm đến, nên với những cuốc ngắn hoặc địa chỉ tại khu vực tắc đường, tài xế hủy luôn”, chị Liên chia sẻ.
Một khách hàng khác cho biết, một ngày trước khi Uber dừng hoạt động, chị đặt một cuốc xe từ Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) lúc hơn 17 giờ chiều lên Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội), giá cước Grab báo lên tới 67.000 đồng, trong khi giá cước của Uber chỉ là 39.000 đồng. “Uber không hoạt động, khách hàng như chúng tôi cũng không biết lấy mốc nào để so sánh giá, nhưng nếu giá quá cao chắc sẽ chuyển về taxi thường hoặc thử tải các ứng dụng khác”, khách hàng này chia sẻ.
Trong khi các khách hàng cũ của Uber và ngay cả Grab lo lắng mức giá sẽ bị hãng này đẩy dần lên trong thời gian tới, thì nhiều tài xế Uber tỏ ra băn khoăn khi chuyển về “nhà mới”.
Tài xế N.V.T cho biết, hiện các tài xế cũ của Grab vẫn đang chịu mức chiết khấu nộp về công ty là 24,5% (tính cả thuế VAT), nhưng những tài xế mới từ Uber chuyển sang hoặc đăng ký mới đang phải chịu mức phí cao hơn, gần 29% (cả VAT).
Cơ hội cho ứng dụng nội
Đáng chú ý, hậu sáp nhập Uber - Grab đang là cơ hội cho các apps (ứng dụng) đặt xe của người Việt. Chị Thùy Trang (Lê Hồng Phong, Ba Đình) cho biết đã tải thêm các ứng dụng mới của các hãng trong nước như VATO, Taxi Mai Linh, Taxi Group, Thành Công…
Tuy nhiên, nếu so sánh mức giá không phải khung giờ cao điểm, giá các ứng dụng taxi nội vẫn nhỉnh hơn chút ít so với mức giá Grab từ 5.000 - 6.000 với cuốc đi ngắn khoảng 3 - 4 km.
“Nếu các hãng trong nước tận dụng cơ hội người tiêu dùng đang hoang mang khi chuyển đổi từ Uber sang Grab để chiếm thị phần, thì cách tốt nhất là đưa ra nhiều chương trình khuyến mại và mức giá thấp, hoặc ít nhất cũng bằng Grab thì mới thu hút được khách hàng”, chị Trang đề xuất.
Hậu sáp nhập Uber vào Grab có thể là cơ hội tốt nếu doanh nghiệp nội biết tận dụng Ảnh M.Hà
Theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, thị trường vận tải hành khách và thị trường ứng dụng kết nối vận tải của Việt Nam rất rộng và nhiều tiềm năng, vì thế, việc Uber bị sáp nhập vào Grab không đáng quan ngại, thị trường cạnh tranh sẽ tiếp tục sôi động.
“Trong thời gian tới, trước sự rút lui của đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhiều khả năng Grab sẽ không còn phải “chạy đua” khuyến mãi. Vì vậy, các hãng taxi không còn chịu áp lực quá lớn về giá cả nữa mà có thể tập trung phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Long nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, các doanh nghiệp vận tải nên tận dụng cơ hội này để thiết lập mặt bằng giá hợp lý, đầu tư cho công nghệ, cân nhắc 2 - 3 hãng cùng sử dụng một ứng dụng để tiết kiệm nguồn lực. Thậm chí, có thể tận dụng nguồn lực phương tiện, lái xe mà Uber để lại, muốn làm được điều này, các hãng vận tải nội cần có chính sách khuyến khích phù hợp cho nhà đầu tư và lái xe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.