Hãy cứ ước mơ

01/01/2015 02:00 GMT+7

Ai đó đã từng thúc giục chúng ta: Hãy mơ đi! Chẳng ai đánh thuế ước mơ. Và không chỉ mơ suông, những bạn trẻ còn hạ quyết tâm “bắt” ước mơ trở thành những điều có giá trị trong thực tế.

Ai đó đã từng thúc giục chúng ta: Hãy mơ đi! Chẳng ai đánh thuế ước mơ. Và không chỉ mơ suông, những bạn trẻ còn hạ quyết tâm “bắt” ước mơ trở thành những điều có giá trị trong thực tế.
 
Hãy ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực Hãy ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thành công của “kẻ hoang tưởng”
Mới đây, nhiều sinh viên và khách hàng chứng kiến cảnh lột xác ấn tượng của chuỗi cửa hàng tàu hũ HAT khi nó được đổi tên thành Orisoy. Hiện Orisoy đã có hai chi nhánh chính ở khu vực Thủ Đức và Gò Vấp, đồng thời chuẩn bị chinh phục các quận trung tâm TP.HCM cũng như những TP lớn ở khu vực phía nam.
Giải thích sự thay đổi này, anh Đinh Tuấn Ân (25 tuổi), Giám đốc điều hành Orisoy, chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư và tập trung mạnh vào các bạn trẻ, nhất là các bạn muốn trải nghiệm không gian năng động và quan tâm đến món tàu hũ”.
Giấc mơ mà chúng tôi mơ mỗi ngày, nhiều người đã mỉa mai hoặc xem chúng tôi như những kẻ hoang tưởng, điên rồ. Với những thành công tôi chinh phục được, ắt hẳn những người đó sẽ phải nhìn nhận lại
Đinh Tuấn Ân
Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng tàu hũ HAT
Tuấn Ân cho biết, từ những ngày còn là sinh viên, anh cùng những người bạn đã trăn trở, khao khát sẽ đưa món tàu hũ dinh dưỡng của quê hương mình lên một vị trí xứng đáng như những thương hiệu toàn cầu KFC, Lotteria... “Thời gian đầu, khi tôi và những người bạn khởi nghiệp chia sẻ giấc mơ thú vị ấy - giấc mơ mà chúng tôi mơ mỗi ngày, nhiều người đã mỉa mai hoặc xem chúng tôi như những kẻ hoang tưởng, điên rồ. Với những thành công thực tế mà Orisoy của chúng tôi chinh phục được như ngày hôm nay, ắt hẳn những người đó sẽ phải nhìn nhận lại”, Đinh Tuấn Ân chia sẻ.
Tuấn Ân cho hay, một trong rất nhiều khó khăn, bầm dập đáng nhớ nhất mà anh và những người bạn của mình gặp phải chính là lần phá sản ở cửa hàng khởi nghiệp đầu tiên, làm vỡ tan bao kỳ vọng, công sức. “Đó là thời điểm thật tệ hại, không chỉ chúng tôi trắng tay mà còn nợ nần chồng chất. Nhưng thú thật, giờ nhìn lại thì thời điểm đó đã giúp chúng tôi trưởng thành và học được rất nhiều bài học quý giá. Tôi và những người bạn của mình đã đi bán tàu hũ dạo trên những con đường như khu chợ Bến Thành, ở làng ĐH... để kiếm tiền trả nợ”, Tuấn Ân nhớ lại.
Từ những kinh nghiệm của bản thân, Tuấn Ân nhắn nhủ: “Quan trọng nhất, cần tìm ra được điều chúng ta thật sự thích, mà tôi vẫn hay gọi là đam mê, và hãy vẽ ra một bức tranh tuyệt vời về nó. Hãy tạo nên thiên đường trong tâm trí bạn và đảm bảo rằng bạn thực sự cảm thấy hưng phấn khi nghĩ về nó. Tất nhiên, để làm được điều đó, bạn cần học cách bỏ ngoài tai những lời mỉa mai của thiên hạ. Tôi rất thích câu nói của tỉ phú Richard Branson rằng: Mặc kệ nó! Hãy làm tới đi!”.
Cũng theo Tuấn Ân, trên con đường biến ước mơ thành hiện thực, chúng ta sẽ không thể nào né tránh được những sai lầm hay thất bại. Nói thế không có nghĩa rằng, chúng ta cổ vũ cho những sai lầm mà phải biết học hỏi từ những sai lầm và thất bại đó để đừng bao giờ lặp lại. Như thế, sai lầm và thất bại mới được người ta gọi là mẹ thành công.
Đi lên từ thất bại
Vào năm 16 tuổi, cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Thảo (năm nay 23 tuổi, đang là sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) bỗng mê môn cờ vua. Từ đó, Thảo quyết nhờ bạn bè, người quen hướng dẫn.
Thảo chia sẻ: “Nhiều người nghĩ rằng chơi cờ vua rất khó, ngay cả người sáng mắt chơi đã khó huống hồ chi người khiếm thị. Nhưng theo tôi, không có gì là không được nếu mình có cố gắng và quyết tâm”.
Biết chơi cờ khoảng 1 năm, Thảo được giới thiệu đi thi đấu. Đến năm 2009, Thảo tham dự giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, và ngậm ngùi ra về với hai bàn tay trắng. “Nhiều lúc tôi thấy nản lắm, muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi thất bại cũng là một động lực giúp tôi nỗ lực phấn đấu hơn nữa”, Thảo bộc bạch.
Tính đến nay, Thảo đã đoạt được nhiều thành tích đáng nể trong bộ môn cờ vua: 2 HCĐ đồng đội tại ASEAN Paragames ở Myanmar năm 2014, 1 HCV và 1 HCB đồng đội tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2013; HCĐ cá nhân và HCB đồng đội giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2014.
Bên cạnh hoài bão trở thành giáo viên dạy chữ cho những trẻ em mù, khuyết tật, mồ côi, cô sinh viên Nguyễn Thị Thảo còn nung nấu một mơ ước: đoạt HCV cá nhân tại giải thể thao trong nước cũng như ở ASEAN Paragames dành cho người khuyết tật.
Vì vậy, mấy tháng nay, cô gái này ra sức tập luyện. Không chỉ tập chung với các bạn trong đội cờ mà hằng tuần, Thảo còn tranh thủ đến Trung tâm VH - TDTT Tân Bình để nhờ các thầy chỉ dẫn thêm.
“Tôi cho rằng khuyết tật thể xác không đáng sợ bằng khuyết tật tâm hồn”, cô giáo tương lai Nguyễn Thị Thảo khẳng định.
Ý kiến:
Đôi khi chỉ là sự ngộ nhận
Tôi từng nghe tâm sự của nhiều bạn trẻ có ước mơ, hoài bão nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc chinh phục ước mơ của mình. Sở dĩ có điều này, bởi những ước mơ ấy đôi khi chỉ là sự ngộ nhận, không hình dung chính xác được ước mơ.
Quách Đức Anh
(Phụ trách dự án Phát triển sinh viên tài năng Hanoi VIP Elite)
Phải có mục đích rõ ràng
Làm gì cũng phải có mục đích. Ước mơ cũng vậy, phải có mục đích rõ ràng chứ đừng quá tơ tưởng trên mây. Không ít bạn trẻ cứ nghĩ rằng mình học giỏi thì ra trường buộc phải kiếm được công việc ngon lành và lương cao. Ước mơ làm việc lương cao thì ai không muốn, nhưng thực tế đâu có dễ và đôi khi mình phải chấp nhận làm những công việc bình thường để từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình.
Nguyễn Quang Trường
(Nhân viên kinh doanh tại Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Lê Thanh (ghi)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.