Hãy để con cái có trách nhiệm và tự giải quyết vấn đề của mình

11/04/2022 09:20 GMT+7

Quá trình trưởng thành, học tập, dĩ nhiên con cái sẽ gặp những khó khăn, thử thách trong cuộc sống... Việc cha mẹ để con cái có trách nhiệm và tự tìm cách vượt qua là điều cần thiết.

Là một người mẹ, tôi hiểu rất rõ niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ khi thấy con cái vui vẻ, líu lo đến trường và ào về với những niềm vui học tập mỗi ngày. Tuy nhiên, phụ huynh cũng có những mối lo lắng mỗi khi con gặp trở ngại ở trường, thậm chí hoảng hốt và lúng túng khi con không thích đến trường.

Quan trọng là con tự vượt qua khó khăn thế nào

Ở góc độ cá nhân, tôi đánh giá cao tính trách nhiệm và khả năng vượt qua nghịch cảnh. Vì vậy, bên cạnh việc vun đắp tình cảm và không khí vui vẻ trong gia đình, tôi thường tạo thói quen cho con xác định những việc “của con” và cùng con tìm niềm vui cũng như vượt qua được những khó khăn, trở ngại nếu có.

Tạo thói quen cho con xác định những việc “của con” và cùng con tìm niềm vui cũng như vượt qua được những khó khăn, trở ngại nếu có

Nguyễn loan

Tôi không tin vào môi trường học tập “trong mơ”, nơi con trẻ chỉ có toàn niềm vui, vì không gặp khó khăn đồng nghĩa với việc con luôn ở trong vùng an toàn. Quan trọng là, mỗi khi gặp thử thách, các con vượt qua như thế nào.

Trẻ đương nhiên có quyền có những cảm xúc “âm tính” (tiêu cực) như: hoảng sợ, lo lắng, căng thẳng… Việc đối mặt với những cảm xúc này thật không dễ chịu. Vợ chồng tôi thường sẽ chia sẻ sự khó chịu này với con bằng một cái ôm, một lời an ủi, một hoạt động hoặc món ăn yêu thích của con…

Khi con cảm thấy đã dễ chịu hơn, vợ chồng tôi có thể cùng con tìm hiểu thật kỹ chính xác điều gì đang khiến con bận tâm. Chẳng hạn, cùng đối mặt với một bài kiểm tra sắp tới, mỗi bé sẽ có thể có sự lo lắng khác nhau như lo điểm thấp, không làm bài tốt, hoặc mắc cỡ với bạn bè khi kết quả không như mong đợi…

Việc xác định được chính xác nguyên nhân cảm xúc của con rất có ích, vì thật khó để đối diện với nỗi sợ nếu mình không biết chính xác mình đang lo sợ điều gì. Nhưng đó chỉ là phương án khi có tình huống khó khăn, về đường dài, điều quan trọng nhất và mình vẫn thực hiện là tự con phải biết vấn đề của mình là gì.

Con tự cảm nhận được những mặt tích cực của việc đến trường khi có những niềm vui, có bạn bè, người thầy cô con yêu quý, một môn học con thích thú…

Việc của cha mẹ là hỏi con mỗi ngày về những điều làm con vui buồn ở trường hôm nay, giúp con chuẩn bị một chiếc cặp mới đúng màu yêu thích, nhận ra và công nhận mỗi sự tiến bộ, nỗ lực của con…

Cha mẹ cũng cần tìm hiểu đâu là điều con cần

Con đi học cả ngày ở trường suốt tuần, thời gian sống cùng bạn bè thầy cô nhiều hơn ở nhà nên chắc chắn đầu tiên là con phải được an toàn và cảm thấy an toàn cả về thể chất và tinh thần.

Tôi rất tâm đắc lý thuyết PERMA của nhà tâm lý học Seligman. Theo lý thuyết này, các yếu tố khiến một người cảm thấy an lạc gồm: Positive Emotion, tức có những cảm xúc tích cực khi ở trường hay không; Engagement (con có sự đam mê, thích thú để chọn tham gia vào các hoạt động ở trường hay không); Positive Relationship (con có những mối quan hệ tích cực nào ở trường đem đến sự ấm áp cho con không); Meaning (điều có ý nghĩa, hay con có thật sự thấy việc đến trường có giá trị đối với con hay không); cuối cùng là yếu tố Accomplishment (những điều con muốn đạt được, cảm giác “hoàn thành mục tiêu”).

Với nhiều bậc cha mẹ, điểm số của con mang ý nghĩa là sự đánh giá năng lực của họ. Con có học bạ toàn điểm 10, người mẹ đó chắc hẳn là một bà mẹ giỏi, biết dạy con. Ngược lại, điểm dưới trung bình là do mẹ không rèn được nếp học cho con và không thể tưởng tượng con bị điểm 0 thì mẹ sẽ như thế nào. Điều này sẽ vô tình tạo ra những áp lực cho trẻ.

Quay lại việc xác định nguyên nhân của các cảm xúc âm tính, người lớn chúng ta phải chăng cũng nên tìm hiểu chính mình. Chúng ta phải hiểu thật rõ vì sao mình đang gây áp lực cho con, điều gì khiến mình cần con phải đạt được những mục tiêu đang đề ra. Từ đó, vấn đề nan giải dần sẽ được gỡ bỏ khi cha mẹ bắt đầu nhận ra, đâu là điều con cần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.