Trước hết, đây không phải là chuyện riêng của TP.Cần Thơ, vì với vai trò là ngân hàng máu có nhiệm vụ cung cấp máu cho cả miền Tây thì hoạt động của Bệnh viện (BV) Huyết học - Truyền máu Cần Thơ tác động đến cả ngành y tế ĐBSCL. Lãnh đạo BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ và Sở Y tế Cần Thơ đều giải thích lý do của việc ngừng cung cấp máu là vì phải chờ hoàn tất các thủ tục đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ chuyên môn tại địa phương. Cùng với đó là những thay đổi liên tục của các văn bản hướng dẫn khiến nhiều đơn vị bối rối.
Tuy nhiên, người dân không khỏi băn khoăn khi cùng các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế hướng dẫn nhưng dường như chỉ có TP.Cần Thơ bị vướng, trong khi các trung tâm cung cấp máu khác trên cả nước như Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, BV Chợ Rẫy, BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM vẫn hoạt động bình thường. Liệu có hay không những tắc trách, trì trệ, chưa thực sự quyết liệt dẫn đến việc một gói thầu triển khai từ cuối năm 2022 đã phải làm đi, làm lại quá nhiều lần, mất quá nhiều thời gian; để rồi đến nay hồ sơ của 47/394 mặt hàng phục vụ cho hoạt động của BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ vẫn còn nằm trên giấy?
Hệ quả là cả năm qua, 3 hoạt động tối quan trọng của ngân hàng máu miền Tây gồm: tiếp nhận máu hiến; sàng lọc, điều chế, sản xuất; cung cấp máu cho các cơ sở y tế, BV đều ngưng trệ. Thông báo ngưng cung cấp máu, chế phẩm máu của BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ gửi đi đâu phải chỉ mang đến khó khăn cho các BV khác trong công tác chuyên môn. Trên hết nó đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được khám, chữa bệnh của người dân.
Chắc chắn, công tác đấu thầu, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, cũng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, nhưng cũng cần hiểu rằng đối với sản phẩm đặc biệt như máu, việc triển khai các thủ tục ấy không cho phép chậm trễ, lãng phí thời gian. Bởi lẽ, với tất cả các BV, máu và chế phẩm máu luôn là thứ không thể thiếu. Cho đến nay, không có bất cứ phương pháp nhân tạo nào có thể điều chế ra được các sản phẩm có thể thay thế máu trong hoạt động y tế, cứu người.
Nếu như các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước đang đau đầu, phải thận trọng hết mức với các quy định, trình tự, thủ tục đấu thầu thì ở các BV cũng đang có những bệnh nhân mỏi mòn chờ máu, những người bệnh đang phải trì hoãn mổ, phập phồng hiểm nguy. Bệnh nhân không có nhiều thời gian. Thế nên, hơn bao giờ hết, việc tháo gỡ những khó khăn cho đấu thầu vật tư y tế, đặc biệt liên quan đến máu ở ĐBSCL, cần nhanh chóng và quyết liệt hơn. Cần vào cuộc với một tâm thế khẩn cấp cứu người, bởi lẽ chậm trễ, lãng phí thêm một ngày cũng có nghĩa sẽ tước đi bao cơ hội điều trị chính đáng của bệnh nhân.
Bình luận (0)