Hãy tắt facebook và đi tưới cây

29/04/2016 14:56 GMT+7

Tôi nghĩ rằng việc bảo vệ môi trường chỉ có thể thực hiện một cách có hiệu quả khi mà chúng ta giàu. Bởi vì khi chưa giàu, rồi chúng ta cũng sẽ bào mòn môi trường để ăn dần.

Hãy nhìn lại môi trường ngay quanh ta
Đừng để bị định hướng ánh mắt nhìn về Formosa. Hãy quay qua một hướng khác, nơi đang không có báo chí nào để mắt tới, đó là các làng nghề truyền thống.
Theo thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2015, chúng ta có đến hơn 5000 làng nghề và làng có làng nghề. Cả nước hiện có hơn 1000 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Và hầu hết trong số đó đều đang đứng trong tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động. Bộ này còn có biết có những địa phương mức độ ô nhiễm kim loại nặng (Cr6) đã gấp 3000 lần mức cho phép. Và chúng ta cũng không lạ gì với cụm từ "làng ung thư", chỉ là đang tạm quên đi vì cụm từ "Vũng Áng" hay "Formosa" đang nóng hơn mà thôi. Những làng nghề ở xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) hay Dục Tú 3 (Đông Anh, Hà Nội) đã dẫn tới cái chết của hàng trăm người vì bệnh ung thư, lao phổi, viêm họng, bệnh gan do khói bụi và chất độc từ hoạt động sản xuất gây ra.
Hãy thôi nhìn ra biển chi cho xa, hãy nhìn lại chính những con sông, con rạch, con mương ngay trước nhà, sau nhà, hay gần nhà, dễ dàng thấy ngay chúng đen kịt. Ở đó không có Formosa, không có khu công nghiệp nghìn tỉ, chỉ có những làng nghề thủ công, đem lại năng suất lao động thấp, tích luỹ xã hội ít, nhưng vẫn tàn phá môi trường không kém.
Thậm chí ở những nơi chẳng sản xuất gì, như kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè vẫn đen kịt, nhiều dòng kênh khác giữa Sài Gòn trở thành kênh chết dù chẳng có hoạt động sản xuất công nghiệp gì kế bên.
Chúng ta đòi giữ môi trường, không phát triển công nghiệp nặng, chúng ta đòi giữ cá, giữ tôm. Nhìn lại đi, chúng ta đánh bắt cá trên biển bằng mìn, bằng độc, bằng lưới cào. Chúng ta đánh bắt tận diệt. Vậy thì chúng ta nhân danh cái gì để nói chúng ta yêu môi trường, kêu gọi giữ lấy môi trường? Trên cơ sở nào để chắc chắn rằng chúng ta sẽ trồng cây, sẽ nuôi tôm nuôi cá, không làm hại môi trường khi mà cái bụng chúng ta chưa no?
Sông rạch vẫn ngập ngụa rác trong khi chúng ta vẫn ra rả kêu gọi bảo vệ môi trường
 - Ảnh: Phạm Dự
Chúng ta đã có một thời gian hàng mấy nghìn năm với một nền công nghiệp gần như bằng không, chúng ta chưa hề giàu có. Và khi chưa có các nhà máy, khu công nghiệp, môi trường cũng không hề được giữ gìn hay trân quý như chúng ta đang hô hào. Trải qua hàng nghìn năm, là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta chưa thể phát minh ra được phương pháp đánh bắt nào mới và hiệu quả ngoài mìn và lưới cào. Cũng từng ấy năm chúng ta loay hoay chưa biết trồng cây gì ngoài lúa. Thậm chí, chúng ta đánh bắt luôn vào mùa cá đẻ và đốn ngay cái cây đang trồng để trồng thứ khác lợi nhuận hơn mà chẳng hề nghĩ gì tới biến đổi môi trường hay khí hậu từ những việc làm đó. Chúng ta đánh bắt ngày càng xa bờ, nghĩa là nguồn cá chúng ta ngày càng cạn kiệt. Chúng ta trồng trọt ngày càng nhiều phân bón, hoá chất hơn, nghĩa là đất đai chúng ta ngày càng cằn cỗi. Chúng ta đã có thời gian sống với thiên nhiên quá lâu, nhưng chúng ta chỉ bào mòn nó đi thôi, và chưa phát minh ra được gì để cứu lấy nó cả.
Bảo vệ môi trường bằng những việc nhỏ nhất
Hàng năm chúng ta có rất nhiều những phong trào, những cuộc phát động bảo vệ môi trường, nhưng rồi hầu như kết quả đạt được đều khá khiêm tốn. Giữa thế kỷ 21, chúng ta vẫn gắn liền những lễ hội của mình với rác, cứ chỗ nào đông người một chút là thành bãi rác ngay sau đó.
Vào nhiều trường học, cơ quan, công sở, dễ bắt gặp việc không tắt các thiết bị điện sau khi dùng xong xảy ra như cơm bữa.
Ngay trong khuôn viên các trường đại học, việc phân loại rác tại nguồn vẫn còn khá xa xỉ. Và tôi e rằng nhiều sinh viên không thể trả lời được rác sinh hoạt tại nguồn phân ra thành mấy loại.
Chúng ta dùng điện, dùng xăng, dùng nhiên liệu thiên nhiên một cách vô tội vạ, chúng ta lười vận động, chúng ta luôn tìm cách đổ thừa.
Điều đó cho thấy rằng chúng ta thật sự vẫn chưa sẵn sàng cho việc bảo vệ môi trường mà chúng ta vẫn đang ra rả kêu gọi.
Do đó, hãy khoan nói tới chuyện Formosa xả thải khi mà không khí chúng ta đang hít thở mỗi ngày chưa chắc đã ít độc hại hơn nước biển miền Trung. Và không có Formosa nào xả thải ở Sài Gòn hay Hà Nội hết, tự chúng ta với ngút ngàn xe máy, ô tô và hàng đống giờ kẹt xe giữa phố đã đủ tự đầu độc mình rồi.
Hãy bảo vệ môi trường bằng việc phân loại rác tại nguồn, tiết kiệm năng lượng tại nhà riêng, công ty, ủng hộ các chính sách của chính phủ về việc hạn chế phương tiện lưu thông cá nhân.v.v... sẽ thiết thực hơn nhiều lần việc tiêu tốn điện năng cho việc lên facebook kêu gào chọn lựa giữa cá tôm hay nhà máy.
Nếu cho tôi chọn lựa giữa cá tôm hay nhà máy thép, tôi chọn tắt facebook và đi tưới rau vì tôi tin rằng bộ máy chính phủ với nhiều nhà cố vấn chuyên môn tầm cỡ sẽ chọn lựa chính xác hơn một anh công nhân mới tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư như tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.