Trong cuộc họp mới đây với Thủ tướng và nhiều Bộ, ngành, ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã đề nghị chính phủ xây dựng sân bay ở Lai Châu, như một vấn đề nóng của địa phương. Nghe mà thấy buồn.
Tôi tin rằng các vị lãnh đạo địa phương không ai không biết nợ công hiện tại của quốc gia chia cho đầu người dân đã là 12.900 đô la. Đây là con số đáng lo khi mà khả năng trả nợ sẽ chậm, rất khó đúng tiến độ nếu còn tiếp tục đầu tư như bây giờ. Ngoài ra, nó còn phát sinh nhiều khoản chi khác nhưng không thể đừng, nằm ngoài kế hoạch kiểu như khắc phục thiên tai hạn hán và ngập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long hay ở Nam Trung bộ...
Những tưởng với hệ thống đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai vừa được khai thông, rút ngắn khoảng cách đáng kể thời gian từ Hà Nội lên một địa bàn được xem là nhiều tiềm năng nhất trong số các tỉnh miền núi phía Bác thì Lai Châu ít nhiều cũng đã được hưởng cùng và trong lúc này, lẽ ra cũng tạm hài lòng mới là đúng. Bởi từ Lào Cai đi tiếp sang thành phố Lai Châu cũng không còn bao xa (chỉ 2 giờ đường ô tô). Như vậy, chặng đường Hà Nội đi Lai Châu cũng đã cải thiện rất nhiều. Còn nếu từ Lai Châu tới sân bay Điện Biên cũng khoảng 4 tiếng đồng hồ.
Việc dùng ngân sách nhà nước hoặc vốn vay của nước ngoài để thực hiện chủ trương này xem ra không khả thi. Phải chăng vì thế, Lai Châu đưa ra" tính cần thiết có một sân bay lưỡng dụng"- cả dân sự lẫn quân sự, để hy vọng Chính phủ dễ đồng thuận?
|
Nói vậy để thấy Lai Châu khó có thể hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là chủ trương muốn xã hội hoá thì càng xa vời. Thử hỏi, nếu tư nhân họ phải bỏ ra 8.000 tỷ đồng dự chi cho việc đầu tư sân bay thì đến năm nào người ta có thể thu hồi đủ vốn, cho dù họ được phép mở dịch vụ sân bay "chém" khách hàng tới cả trăm ngàn đồng một tô mỳ tôm thì cũng chẳng thu được là bao (hiện chỉ số giá cả sinh hoạt của Lai Châu còn đắt hơn cả Hà Nội). Hơn nữa, khi có chủ trương làm sân bay lưỡng dụng thì không nên ảo tưởng sẽ có tư nhân bỏ vốn...
Xin đừng nghĩ cứ có sân bay là có khách. Một tỉnh miền núi nghèo thuộc diện nhất nước, kinh tế còn chậm mở mang vì cơ hội đầu tư gọi là hấp dẫn rất ít thì đối tượng nào đi máy bay khi mà chặng đi bằng đường bộ đã được rút ngắn vài ba giờ so với trước đây?
Để bảo vệ cho quan điểm cần có sân bay, ông Bí thư Lai Châu cho rằng: “Sân bay sẽ giúp phát triển ngành du lịch của tỉnh, đặc biệt có ý nghĩa trong việc cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra”.
Tôi không phản đối chuyện này, nhất là vấn đề cứu hộ cứu nạn và quân sự. Song có thật bí bách, cấp thiết lắm không thì rất nên xem lại khi bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay hết sức khó khăn. Nếu có chăng nữa thì cũng phải là dự án của 10-15 năm sau với điều kiện kinh tế đất nước đã bước qua giai đoạn khó khăn và nợ công đã trả đáng kể...
Còn nếu như phía Bộ Quốc phòng thấy thật sự cần thiết không thể không mở thì có lẽ theo tôi cũng chỉ nên đầu tư sân bay loại nhỏ dùng cho trực thăng, cho máy bay hạng nhẹ kiểu như loại phi cơ của các đại gia như Bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai) ở nước ta thường đi để tiết kiệm thời gian, hoặc mua loại vận tải cơ có sức chứa khoảng 20-25 chỗ ngồi là cùng để bay dịch vụ...
Trên thế giới, hiện có những loại máy bay như L-410 của CH Séc (động cơ của Mỹ) do một tỷ phú người Nga sản xuất. Nó có thể cất, hạ cánh được cả trên đường băng đất nện và rất ngắn (dài 300 m là đủ ). Máy bay vận tải tầm ngắn Let L-410 dùng để tiếp viện lương thực, thực phẩm cho quân đội cũng như người dân ở những vùng hải đảo hay biên giới xa xôi mà các phương tiện khác khó có thể tiếp cận được. Được biết, L-410 đạt tốc độ đến 457 km/h và tầm bay đến 546 km, chở được 19 khách hay 1,7 tấn hàng. Khi mang thêm bình xăng phụ, hoặc không tải, tầm bay của nó có thể đạt 940 km/h. Và đây chính là hướng đầu tư cho Lai Châu nếu quân đội cho là cần thiết phải có sân bay thì theo tôi cũng chỉ ở chừng mục đó (sân bay kiểu đó sẽ có đường băng cực ngắn, không tốn kém đầu tư như Lai Châu đề xuất).
Trong lúc Chính phủ đang phải tính toán chắt chiu để trả nợ công và nợ xấu cũng như cần đầu tư những gì thật cần thiết, bất khả kháng, mong rằng các tỉnh, thành mỗi khi định đề xuất một việc lớn (hoặc không lớn nhưng tốn kém, lãng phí dạng như xây dựng tượng đài, quảng trường, nhà hát, Trung tâm hành chính ...) thì cũng cần phải "thương" Chính phủ, phải có trách nhiệm trong chi tiêu, không nên làm khó Chính phủ...
Bình luận (0)