Nhiều bạn trẻ cứ trì hoãn với những dự định, ước mơ của mình. Và họ tự trấn an bằng những lời hứa hẹn "một ngày nào đó mình sẽ, thời điểm này chưa phải lúc"... hay không tự tin vào khả năng của chính mình "mình có làm được không, liệu có ai ủng hộ mình không"...
Đừng lần lữa với những ước mơ
Theo chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, làm việc tại Công ty TNHH Worldjobs (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chính vì cứ trì hoãn với những dự định như thế mà ước mơ của bạn mãi nằm trong tâm trí hoặc trên giấy. “Còn thời gian thì không hề dừng lại để chờ đợi ai, nó cứ mải miết trôi đi”, chi Xuyến, nói.
Chị Xuyến chia sẻ: “Hồi nhỏ, chúng ta thường mơ mộng là lớn lên tôi sẽ trở thành người này, người kia, tôi sẽ đi nơi này, nơi nọ, sẽ làm điều này, điều kia. Nhưng khi đã trưởng thành, chúng ta lại lần lữa với những ước mơ đó. Chúng ta vẫn băn khoăn với lựa chọn một công việc an nhàn ổn định với việc bước ra khỏi vùng an toàn để vỗ cánh tung bay. Để rồi mọi thứ gây xao nhãng vây quanh: gia đình, con cái, công việc và cả những mối quan hệ, những việc không tên cuốn chúng ta đi...”.
Còn chị Nguyễn Thị Kim Ngân, ngụ tại chung cư Ngô Tất Tố, P.19, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: “Mình từng có ý định bỏ công việc theo kiểu làm công ăn lương để tìm một mặt bằng khởi nghiệp kinh doanh quán cà phê. Nhưng cái kiểu nửa muốn làm, nửa không dám vì sợ thất bại. Chính vì cái tâm lý ấy trở thành rào cản khiến mình không thành công như đứa em gái”.
Phải biết tận dụng và đưa ra quyết định khi có cơ hội Shutterstock
|
Có nhiều người đưa ra lý do quá bận bịu gia đình nên chưa thể làm được những điều mình yêu thích, ấp ủ. “Thật ra chỉ là chúng ta đang bận tâm cho những câu chuyện xung quanh mà quên mất thời gian của mỗi người là hữu hạn. Khi chúng ta giật mình nhìn lại, con cái chúng ta đã lớn và sẽ không còn thời gian cho chúng ta làm những điều mình muốn nữa”, chi Ngân nói.
Rút kinh nghiệm từ bản thân mình, chị Ngân khuyên: “Hãy thôi với cách nghĩ một ngày nào đó mình sẽ... mà phải biết tận dụng và đưa ra quyết định khi chúng ta thấy cơ hội đến”.
"Hội chứng" thích mà không làm, muốn mà ngại...
Theo thạc sĩ tâm lý Trần Hoài Minh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), thì hiện nay có một bộ phận giới trẻ rơi vào "hội chứng" thích mà không làm, muốn mà ngại làm, ước mơ nhưng không theo đuổi, dự định nhưng trì hoãn.
"Tại sao chúng ta có ước mơ, có mong muốn mà chúng ta không thực hiện? Đừng lấy lý do là sợ người khác không ủng hộ, sợ người khác đánh giá là ước mơ quá tầm tay, sợ bị chỉ trích là viển vông, hoang đường... hoặc viện cớ là chưa phải thời điểm thích hợp. Chưa bắt tay vào thực hiện thì đừng viện bất kỳ lý do gì. Hãy hành động rồi mới có kết quả. Chứ chưa làm mà đã 'bàn lùi', nghĩ là không làm được, nghĩ là sẽ khó khả thi... thì không nên”, ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng: “Điều quan trọng là bạn phải hành động. Trong quá trình hành động thì thấy sai ở đâu, thấy lỗi chỗ nào... thì bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dần. Đừng 'vẽ' ước mơ bằng những suy nghĩ nữa. Hãy 'vẽ' ước mơ bằng những hành động cụ thể".
Cũng theo ông Minh, những người hay lần lữa sẽ có ít cơ hội thành công hơn so với những người có mục đích, có sự quyết đoán, biết theo đuổi đến cùng những dự định, những kế hoạch.
"Từ đầu năm học, hai sinh viên có cùng một mong muốn sẽ trở thành sinh viên giỏi vào cuối năm học. Hai người có xuất phát điểm giống nhau. Nhưng một người có kế hoạch, hành động cụ thể, bắt tay vào việc ôn luyện, chuyên tâm đến giảng đường, chăm chú nghe giảng, siêng năng tìm tài liệu... thì dễ dàng chinh phục mong muốn ấy. Còn sinh viên lười, chỉ mong muốn trở thành sinh viên giỏi mà không chịu học, không đến giảng đường, thì sẽ không thể đạt được mục đích. Tóm lại, có mong muốn hay ước mơ thì phải bắt tay hành động. Đó là cách duy nhất để có thể biến những ước mơ, dự định thành sự thật", ông Minh nói thêm.
Bình luận (0)