Trước khi sang Mỹ tập huấn, Hoàng Xuân Vinh được sếp mời ra…quán bia để giao nhiệm vụ trọng đại: Cứ nghĩ là lần này…không có huy chương Olympic đi nhưng bắt buộc phải có trách nhiệm ở viên bắn cuối cùng.
Ấy là câu kể của Đại tá Phạm Đỗ Tuấn - giám đốc Trung tâm thể dục thể thao Quân đội (đơn vị quản lý trực tiếp Hoàng Xuân Vinh) về cấp dưới của mình. Ông Tuấn bảo khi Vinh vừa đoạt vàng xong thì mặc dù lúc ấy mới tờ mờ sáng mà ông nhận được bao cú điện chúc mừng. Nào thì “thằng” Vinh giỏi quá, nào thì “cậu” Vinh giỏi quá, nào thì “Quân đội có người tài quá”. Ông Tuấn nghe cũng mát lòng mát dạ và chợt nhớ đến cốc bia hôm nào uống cùng Vinh.
“Kết thúc chuyến tập huấn tại Hàn Quốc, Vinh tranh thủ về Việt Nam mấy hôm rồi sang Mỹ - đợt tập huấn cuối cùng cho Olympic. Tôi kéo Vinh ra quán bia. Hai chú cháu ngồi “gật gù”. Ngồi quán bia nhưng câu chuyện thì cực kỳ nghiêm túc.
Tôi nghĩ nếu mời Vinh lên phòng làm việc để nói những câu chuyện về chuyên môn, có khi lại nghiêm trọng quá. Vinh lại e ngại mà chẳng dám chia sẻ, tâm sự gì với mình. Thế là chú cầm cốc bia hơi cụng cốc bia của cháu, bóc vài củ lạc luộc rồi bảo: Cháu cứ nghĩ là lần này đi không có huy chương đi, đừng tạo áp lực cho mình. Nhưng cháu nên nhớ lời chú dặn: Dẫu có thế nào cũng bắt buộc phải có trách nhiệm cao độ với viên bắn cuối cùng.
Sở dĩ tôi dặn thế vì tôi đi thi đấu với Vinh mấy lần, Vinh toàn thua viên bắn cuối. Những lúc ấy, thấy đắng lắm. Đắng hơn vị bia mà hai chú cháu đang uống.
Sau khi Hoàng Xuân Vinh giúp thể thao Việt Nam cất cánh trên đấu trường Olympic, lần đầu tiên giành chiếc HCV tại một kỳ thế vận hội, báo chí thế giới đồng loạt đăng bài khen ngợi xạ thủ 42 tuổi này.
Vinh uống một ngụm bia rồi trả lời: Đây là kỳ Olympic cuối cùng của cháu. Cháu thất bại ở đấu trường lớn mấy lần rồi nên cũng lo. Càng lo càng phải cố. Nếu cháu được huy chương lần này, coi như sưu tầm đủ bộ, nếu giã từ sự nghiệp VĐV cũng mãn nguyện lắm rồi”.
Khác với hầu hết các đồng đội, Vinh theo nghiệp bắn súng chuyên nghiệp khá muộn. Năm 1994, tốt nghiệp Trường Sĩ quan công binh tận Sông Bé, Vinh về công tác tại Lữ đoàn 239 Công binh. Trong quân đội, việc phải biết sử dụng súng gần như là điều bắt buộc, anh sĩ quan chỉ huy Hoàng Xuân Vinh được cử đi tham dự các giải phong trào và toàn mang thành tích cao về cho đơn vị.
Năm 1999, CLB Quân đội xin Vinh về để rồi chưa đầy một năm sau, Vinh được gọi vào đội tuyển quốc gia khi đã 26 tuổi và chính thức chia tay chức vụ sĩ quan chỉ huy. Từ SEA Games năm 2011 đến SEA Games năm 2015, Vinh gần như không có đối thủ ở tầm khu vực. Còn thành tích xuất sắc nhất tầm châu Á và thế giới phải kể đến tấm HCV giải súng hơi châu Á 2013, 1 HCV kèm theo 1 kỷ lục thế giới tại Cúp thế giới 2014.
Đại tá Phạm Đỗ Tuấn kể về đại tá Hoàng Xuân Vinh bằng cả sự yêu thương, kính trọng: “Được rèn giũa trong môi trường quân đội và lại theo đuổi nghiệp bắn súng nên những yếu tố này tạo nên cá tính và nhân cách rất tuyệt cho Hoàng Xuân Vinh. Vinh trầm tĩnh, ít nói, nhưng chắc chắn, sâu sắc, cẩn thận. Nhưng chính vì cái cẩn thận ấy mà sáng sớm nay, tôi như rớt tim ra ngoài khi xem Vinh thi đấu”.
Quả thế thật. Ở viên cuối cùng, Vinh khi ấy đang kém đối thủ trực tiếp Almeida Wu 0,2 điểm, anh căn chỉnh rất kỹ. Máy camera của truyền hình chiếu trực diện vào Vinh. Người ngồi xem chỉ trực hét toáng lên: Bắn đi, bắn đi. Nhưng Vinh chả vội, thậm chí còn hơi đủng đỉnh. “Tôi lo kinh khủng vì sợ Vinh sẽ bị phạm quy vì lố thời gian ngắm bắn. Nhưng sự cẩn trọng của Vinh không thừa. Vinh ngắm bắn rất lâu và kết quả là 10.7 điểm - con số nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi giơ tay ôm lấy lồng ngực mình”, ông Tuấn lại kể thế.
Ông Tuấn ca ngợi Vinh là mẫu VĐV có tài năng đặc biệt, có ý tiến thủ đặc biệt, có sự chăm chỉ đặc biệt và thành tích đặc biệt ở Olympic như thành quả cực kỳ xứng đáng. “Với tấm HCV thần kỳ này của Vinh, tôi sẽ báo cáo Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng để có sự tưởng thưởng đặc biệt cho Vinh”, ông Tuấn tiết lộ.
Bình luận (0)