Câu hỏi trách nhiệm
Cuối giờ trưa nay (13.7), ý kiến chất vấn của đại biểu Ngô Thị Nhung (đại diện cho cử tri H.Quảng Ninh, Quảng Bình) đã làm nóng phiên chất vấn của kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII. Bà Nhung thắc mắc vì sao việc các lao động địa phương đi xuất khẩu lao động thường vi phạm hợp đồng, bỏ trốn? Trách nhiệm và phương án xử lý của ngành LĐ-TBXH thế nào?
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TBXH, mở đầu phần trả lời bằng thừa nhận việc lao động Quảng Bình đi nước ngoài, khi hết hợp đồng hoặc đang thời hạn hợp đồng đã tự ý bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước bạn là vấn đề nổi cộm, đặc biệt là với các nước, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
"Chỉ tính riêng ở Hàn Quốc, trung bình có số lao động ở lại bất hợp pháp đến 46%. Còn lao động theo hợp đồng thời vụ trong năm 2022 chiếm tới 80%", ông Sơn thông tin.
Lý giải nguyên nhân, ông Sơn cho biết có nhiều lý do, nhưng đáng chú ý nhất là chênh lệch thu nhập giữa lao động chính quy và bất hợp pháp rất lớn. Ông Sơn lấy ví dụ, ở Hàn Quốc lao động chính quy thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng nhưng lao động bất hợp pháp có thể kiếm được gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Ngoài ra, có nguyên nhân từ ý thức chấp hành của người lao động kém; chế tài xử phạt khó; việc tạo việc làm khi người lao động về nước chưa tốt nên họ muốn ở lại…
"Việc để xảy ra do nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng chúng tôi thấy có trách nhiệm của ngành và cá nhân tôi", ông Sơn nói.
Về giải pháp, ông Sơn cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung tuyên truyền chính sách người lao động, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Đồng thời, xây dựng cơ chế ràng buộc với người lao động trong ký quỹ, thế chấp, để xử lý hành chính khi người lao động vi phạm; tăng cường giám sát doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, dạy tiếng, dạy pháp luật lao động để tăng cường tính kỷ luật...
Không để tái diễn tình trạng người lao động bỏ trốn
Cũng quan tâm đến vấn đề đưa người lao động địa phương ra nước ngoài, đại biểu Phan Trần Nam (đại diện cho cử tri H.Quảng Ninh) cũng thắc mắc tại sao phí dịch vụ đưa người ra nước ngoài của các công ty thường cao hơn nhiều so với quy định của Nhà nước.
"Người lao động phải bỏ phí không chính thức rất cao dẫn đến khi ra nước ngoài thì chịu áp lực trả nợ lớn, nên lại… bỏ trốn để kiếm thu nhập cao hơn. Sở có ý kiến gì về điều này?", đại biểu Nam hỏi.
Một lần nữa, ông Sơn thừa nhận có thực tế này và cho biết nhiều doanh nghiệp lách luật thu thêm các phí có liên quan để đẩy chi phí lên cao.
"Thời gian vừa rồi, ngành đã nắm thông tin, thường xuyên kiểm tra. Ngay trong năm đã phối hợp với Công an tỉnh để thực hiện kiểm tra thường xuyên, khi phát hiện vi phạm ngoài xử phạt còn gửi văn bản ra Bộ LĐ-TB-XH để có những chế tài. Nhưng thú thật là rất khó để chúng tôi phát hiện quản lý hết, một phần vì bản thân người lao động đều muốn đi nước ngoài nhanh, thuận lợi nên ít khi phối hợp với cơ quan nhà nước", ông Sơn nói.
Thông tin về việc xuất khẩu lao động, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết với địa phương còn nghèo như Quảng Bình, đây là phương án giảm nghèo hiệu quả, nhất là với thanh niên. Ông Phong cho biết toàn tỉnh có khoảng 12.000 người lao động ở nước ngoài, nếu mỗi tháng trung bình thu nhập 25 - 45 triệu đồng/người thì sẽ mang về khoản ngoại tệ xấp xỉ 3.000 tỉ đồng/năm.
"Vậy nên, sự việc 41/46 người lao động Quảng Bình bỏ trốn ở Hàn Quốc trong một chương trình thí điểm xuất khẩu lao động thời vụ và buộc chương trình thí điểm này phải dừng lại là hậu quả hết sức nghiêm trọng. Rất nhiều người lao động sau này có muốn đi cũng không được nữa. UBND tỉnh cam kết với HĐND tỉnh trong thời gian tới sẽ cùng với ngành chức năng có những biện pháp mạnh mẽ hơn để không để tình trạng "quýt làm cam chịu" này tái diễn. Không thể để chỉ một vài người bỏ trốn mà ảnh hưởng cả vùng đất này", ông Phong nói.
Trước chất vấn của đại biểu về đầu tư công, ông Phan Phong Phú, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Bình, cho biết hiện nay tỉ lệ giải ngân đầu tư công của địa phương đang thấp. Theo ông Phú, giải ngân vốn 6 tháng đầu năm 2023 chưa đảm bảo, chỉ đạt 29,2% (cả nước là 30,5%), tuy nhiên vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái (22%) là tín hiệu đáng mừng. Ông Phú cho biết, tỉ lệ giải ngân đầu tư công của Quảng Bình đang xếp thứ 40/63 tỉnh, thành trong cả nước. Theo ông Phú, có một số nguyên nhân: Các dự án đầu tư công phải thực hiện với nhiều trình tự, thủ tục pháp lý, quy trình đi từ T.Ư đến tỉnh, huyện, xã và người dân, nhiều thủ tục không rút ngắn được; năng lực của một số đơn vị tư vấn xây lắp hạn chế…
Bình luận (0)