Đó là việc có tới 34/41 lao động (LĐ) người Quảng Bình đi làm việc thời vụ ở TP.Yeongju (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) đã không về nước như cam kết vào ngày 15.9, mà... bỏ trốn. Đây là nhóm LĐ nằm trong đợt 1/2022 mà Quảng Bình tổ chức sang TP.Yeongju.
Sau khi số LĐ đợt 1 được đưa đi xuất khẩu, chính quyền TP.Yeongju tiếp tục gửi văn bản đề nghị tỉnh Quảng Bình hỗ trợ tuyển dụng đợt 2 với số lượng 60 LĐ. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình đã phối hợp các địa phương tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn 55 LĐ đi làm việc thời vụ nông nghiệp tại Hàn Quốc đợt 2. Nhưng tất cả đã đổ bể, sau vụ 34 người bỏ trốn…
Lao động Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc |
THU HẰNG |
Khi bước chân đi xuất khẩu LĐ ở nước ngoài trong tư thế có hợp đồng, được cơ quan chức năng Việt Nam và nước sở tại bảo hộ thì việc tự biến mình thành LĐ “chui” bằng cách bỏ trốn (như nhóm 34 LĐ Quảng Bình) thật đáng trách. Do vậy, dễ hiểu vì sao chính quyền TP.Yeongju chính thức gửi thông báo từ chối làm các thủ tục nhập cảnh cho LĐ đợt 2/2022 (dự định nhập cảnh Hàn Quốc từ ngày 6.9).
Bỏ trốn như nhóm người nêu trên, đồng nghĩa với việc tự mình bước vào con đường hiểm nguy với thân phận LĐ không có giấy tờ hợp pháp nơi xứ người… Nhưng chưa hết, họ còn làm liên lụy khiến 55 LĐ đợt 2 phải chịu cảnh “quýt làm, cam chịu”, không thể xuất ngoại đi làm dù đã hoàn tất các thủ tục cần thiết. Đáng nói, hầu hết trong số 55 người này là người nghèo, phải vay mượn, cầm cố tài sản để có chút lộ phí cho chuyến đi. Giờ đây, họ sẽ phải ở lại nhà trong cảnh thiệt hại nặng nề về kinh tế và tâm lý.
Bài học từ vụ việc nêu trên là cần nâng cao công tác tuyên truyền để người lao động “thấm” về quyền, nghĩa vụ của bản thân khi ra nước ngoài làm việc. Bên cạnh đó, cần bổ sung những ràng buộc liên quan đến luật pháp, kinh tế chặt chẽ hơn nữa, để họ không thể và không dám bỏ trốn.
Bình luận (0)