HĐND TP.HCM giám sát Q.Phú Nhuận: Nhiều vướng mắc khi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch

24/11/2021 20:48 GMT+7

Theo UBND Q.Phú Nhuận, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch Covid-19 thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chiều 24.11, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND Q.Phú Nhuận về việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và một số chế độ, chính sách hỗ trợ Covid-19 cho tuyến đầu chống dịch, người dân khó khăn, bị tác động bởi dịch Covid-19 (theo các Nghị quyết 09/2021; Nghị quyết 12/2021; Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM).

Nhiều người nhầm tưởng toàn dân được hưởng gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3

Cùng lực lượng tuyến đầu trực tiếp phòng chống dịch nhưng có sự phân biệt

Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đã kiểm tra thực tế, ngẫu nhiên tại một số hộ dân trên địa bàn liên quan các gói hỗ trợ Covid-19; sau đó có buổi làm việc với UBND Q.Phú Nhuận, phường và các đơn vị liên quan.

Bà Trần Huỳnh Nga, Trưởng phòng Phòng LĐ-TB-XH TP.HCM đã báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch và các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Đoàn giám sát HĐND TP.HCM kiểm tra thực tế tại một số hộ dân về việc chi hỗ trợ Covid-19

phạm thu ngân

Trong đó, với chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 (theo Nghị quyết 12), Q.Phú Nhuận đã tạm ứng nguồn kinh phí, hỗ trợ cho 1.649 người (đạt tỷ lệ 99,76%) và hiện đang tiếp tục rà soát để tiếp tục bổ sung các trường hợp còn sót.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, Công văn 6277/2021 của Sở Y tế TP.HCM (triển khai Nghị quyết 12) có quy định nguyên tắc chi trả là đối tượng tham gia từ đủ 22 ngày trở lên, điều này đã dẫn đến một số ý kiến chưa đồng tình. Sau đó, Sở Y tế đã kịp thời có văn bản hướng dẫn điều chỉnh.

Nhiều ý kiến cũng cho thấy vướng mắc. Theo đó, cùng lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia phòng chống dịch nhưng có sự phân biệt. Cụ thể, lực lượng tình nguyện viên là nhân viên y tế, cán bộ, giảng viên được Bộ Y tế điều động hoặc TP.HCM huy động cùng làm công việc trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhưng có mức chi hỗ trợ là 3 triệu đồng, quá khác biệt với lực lượng nhân viên y tế của TP.HCM trực tiếp tham gia là 10 triệu đồng.

Ông Cao Thanh Bình đề nghị Sở Y tế TP.HCM có báo cáo cụ thể, rõ ràng về những vướng mắc liên quan việc thực hiện Nghị quyết 12

phạm thu ngân

Bà Trần Huỳnh Nga cũng cho biết, việc xác định đối tượng chi cụ thể phụ thuộc vào hướng dẫn của Sở Y tế, dẫn đến nhiều khó khăn cho cơ sở thực hiện, chưa diễn đạt hết tinh thần của Nghị quyết về đối tượng cần động viên tuyến đầu. Ví dụ, đối tượng người lao động trong bệnh viện dã chiến, khu thu dung cách ly do công ty cung cấp lao động sẽ không thuộc đối tượng hưởng chính sách tuyến đầu. Hoặc, nhiều cán bộ cơ sở tham gia trực tiếp vào nhiều lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng chưa được xem xét ghi nhận và điều chỉnh như Tổ phản ứng nhanh của phường, lực lượng tham gia điều phối, nhập liệu công tác lấy mẫu, tiêm vắc xin cộng đồng, cung cấp ATM ô xy, lực lượng công an, quân sự, dân quân... tham gia các chốt kiểm soát cố định và tuần tra lưu động.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM đánh giá Q.Phú Nhuận, với tổng dân số ổn định (hơn 185.000 người), đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời đã chủ động, cơ bản thực hiện xong chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM ghi nhận những ý kiến của UBND Q.Phú Nhuận, đồng thời đề nghị Sở Y tế TP.HCM có báo cáo cụ thể, rõ ràng về những vướng mắc liên quan việc thực hiện Nghị quyết 12, cũng như đề xuất cách giải quyết, có bổ sung hay không...

Sở Y tế TP.HCM trình 6 chiến lược lớn để kiểm soát Covid-19

Người dân phản ánh đúng thì cần mạnh dạn bổ sung

Tại buổi giám sát, liên quan các chính sách hỗ trợ Covid-19 cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, nêu ra một số trường hợp phản ánh nhiều lần lên Tổng đài 1022, đồng thời, yêu cầu địa phương quan tâm, nếu người dân phản ánh đúng diện thụ hưởng thì cần mạnh dạn bổ sung.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cũng đánh giá công tác xét duyệt được Q.Phú Nhuận thực hiện sát sao. Ông Hùng chất vấn địa phương có công khai danh sách người không đủ điều kiện nhận hỗ trợ hay không, bởi nếu không thì đây sẽ là nguồn cơn khiến người dân phản ánh nhiều lần.

Bà Trần Hải Yến, Phó trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đề nghị đại diện tổ công tác, tổ dân phố, khu phố... chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn khi thực hiện các công việc đến gói hỗ trợ.

Bà Lê Minh Huệ, Bí thư chi bộ khu phố 3, P.11 (Q.Phú Nhuận), chia sẻ thời gian qua, trong công tác chống dịch, chi hỗ trợ Covid-19 tại địa phương đạt nhiều kết quả, nhất là là tập hợp được toàn dân; người dân có sự gắn kết, chia sẻ với nhau hơn trước đây.

Bà Lê Minh Huệ, Bí thư chi bộ khu phố 3, P.11 (Q.Phú Nhuận) chia sẻ tại buổi giám sát

phạm thu ngân

Bà Huệ cũng chia sẻ về sự vất vả của tổ trưởng tổ dân phố, nhất là khâu lập danh sách người được nhận hỗ trợ. Trong khi đó, trình độ về vi tính, đọc hiểu... của nhiều tổ trưởng còn yếu, chính vì vậy, dẫn đến việc đôi khi tuyên truyền chính sách cho người dân chưa đầy đủ. Ngoài ra, còn có việc người dân và tổ trưởng không thống nhất quan điểm về tiêu chí "người có hoàn cảnh thật sự khó khăn" nên dẫn tới việc dân phản ánh, bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Kiều Nhi, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, cho hay danh sách hỗ trợ Covid-19 đợt 3 được công khai, dán ở các bảng thông tin. Đối với trường hợp không đủ điều kiện, tổ bình nghị, tổ trưởng tổ dân phố sẽ giải thích, nếu người dân chưa đồng thuận thì phường, quận sẽ trực tiếp giải thích cho dân. Lãnh đạo UBND Q.Phú Nhuận cũng đề nghị TP.HCM sớm xem xét, giải quyết bổ sung kinh phí cho địa phương, thanh quyết toán hồ sơ theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.