HĐND TP.HCM giám sát TP.Thủ Đức: Đặt vấn đề trách nhiệm quản lý dân cư

25/11/2021 17:27 GMT+7

Giám sát UBND TP.Thủ Đức, thành viên đoàn HĐND TP.HCM dẫn chứng trường hợp khó khăn, nhưng vì chưa đăng ký tạm trú nên không nhận gói hỗ trợ Covid-19 đợt 1. Từ đó, đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý dân cư tại địa phương.

Ngày 25.11, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM có buổi làm việc với UBND TP.Thủ Đức, UBND các phường về việc triển khai, thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chế độ, chính sách hỗ trợ Covid-19 cho tuyến đầu chống dịch, người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (theo Nghị quyết 09/2021; Nghị quyết 12/2021; Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM).

Vẫn còn cứng nhắc trong chi trả hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống Covid-19

Đặt vấn đề về trách nhiệm đăng ký tạm trú của chủ nhà trọ

Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đã xuống kiểm tra thực tế, ngẫu nhiên tại một số hộ dân ngụ P.Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) từ chối nhận tiền hỗ trợ hay phản ánh nhiều lần lên Tổng đài 1022.

Công tác kiểm tra thực tế này, theo ông Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng ban Ban Pháp chế HĐND TP.HCM, đánh giá nhằm để xem nghị quyết, chính sách có đi vào cuộc sống của người dân hay chưa.

Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM kiểm tra thực tế tại một số hộ dân

phạm thu ngân

Ông Đạt cho biết, trong số các hộ kiểm tra, có hộ của chị N.T.K.D (thuê trọ trên đường TL43, P.Bình Chiểu) phản ánh 7 lần lên Tổng đài 1022. Qua kiểm tra thực tế, nhận thấy hoàn cảnh của gia đình chị D. hết sức khó khăn, ở trọ, bán vé số; chồng chị D. là bốc xếp tự do. Chưa kể, trong thời gian dịch Covid-19 phức tạp, chị D. nhiễm Covid-19, phải đi cách ly, khi về lại không có tiền trang trải.

Tuy nhiên, gia đình chị D. không nhận được gói hỗ trợ đợt 1 vì chưa đăng ký tạm trú trên địa bàn (theo quy định gói hỗ trợ đợt 1, diện chi trả là lao động tự do có đăng ký thường trú, tạm trú; bị mất việc làm; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng, làm một trong 6 loại công việc sau như bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, bán vé số... - PV).

Trong khi đó, có hộ nhà ở mặt tiền, buôn bán, cả hộ hơn 10 người đều được nhận gói hỗ trợ Covid-19 nhưng có hoàn cảnh thật sự khó khăn không thì còn phải xét kỹ.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng ban Ban Pháp chế HĐND TP.HCM đặt vấn đề trách nhiệm đăng ký tạm trú cho người thuê của chủ nhà trọ

phạm thu ngân

Phó trưởng ban Ban Pháp chế HĐND TP.HCM đã chất vấn về trách nhiệm đăng ký tạm trú cho người thuê của chủ nhà trọ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của công an khu vực là phải hướng dẫn, quản lý nhân khẩu trong trường hợp này.

Bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cũng đề nghị địa phương tăng cường công tác quản lý nhân, hộ khẩu trên địa bàn. Cạnh đó, hướng dẫn các chủ nhà trọ đăng ký tạm trú cho người dân, để họ có thể thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của TP.HCM.

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo UBND P.Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) lý giải, phường có khoảng 85.000 dân, trong đó số người dân tạm trú chiếm 2/3 tổng số dân. Đồng thời, địa phương giáp ranh với tỉnh Bình Dương (cụ thể là giáp với TP.Thuận An và TP.Dĩ An) nên việc biến động dân cư qua lại giữa hai nơi rất lớn.

"Riêng trường hợp của chị N.T.K.D, trước đây, vợ chồng chị D. trước đây ngụ tại tỉnh Bình Dương nhưng ngày 22.7, chị D. chuyển trọ về P.Bình Chiểu. Đến ngày 25.8, gia đình chị D. bị nhiễm Covid-19, phải đi cách ly tập trung. Do thời gian ngắn, cộng với việc dịch bệnh trên địa bàn P.Bình Chiểu thời gian này cực kỳ phức tạp, nên việc cập nhật của công an khu vực còn thiếu sót. Sau khi gia đình đi cách ly về thì địa phương đã xem xét hỗ trợ gia đình ở gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3", lãnh đạo UBND P.Bình Chiểu cho hay.

Đoàn giám sát HĐND TP.HCM làm việc với UBND TP.Thủ Đức, các phường và đơn vị liên quan

phạm thu ngân

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, chia sẻ áp lực với P.Bình Chiểu, tuy nhiên, ông Bình cũng đặt vấn đề về những đối tượng được chi hỗ trợ. Với hộ của chị N.T.K.D đã phản ánh đến 7 lần, nếu chị D. không đúng diện thụ hưởng thì chính quyền địa phương cần có trao đổi dứt khoát. Dù vợ chồng chị D. chưa đăng ký tạm trú nên không nằm trong gói hỗ trợ đợt 1, thế nhưng, nếu linh hoạt thì có thể áp dụng hỗ trợ họ theo diện hộ lao động khó khăn ở gói hỗ trợ Covid-19 thứ 2.

Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế, ông Bình lưu ý địa phương về công tác tuyên truyền chính sách, bởi, có hộ thuê trọ, từ chối nhận tiền hỗ trợ Covid-19 vì phường giải thích nếu nhận gói này sẽ không được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, chứ không phải vì bản thân người dân tự nguyện từ chối vì họ có thể trang trải cuộc sống.

TP.HCM đã có 180 chợ truyền thống mở cửa hoạt động

TP.Thủ Đức sẽ chuẩn hóa các khu nhà trọ trên địa bàn

Tham dự buổi giám sát của HĐND TP.HCM đối với TP.Thủ Đức có ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM. Ông Thắng đề nghị UBND TP.Thủ Đức thông tin thêm về chính sách mới, cách thức quản lý các khu nhà trọ trên địa bàn; chính sách xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp triển khai ra sao...

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, phát biểu tại buổi giám sát

phạm thu ngân

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, cho hay trên địa bàn hiện có khoảng 100.000 công nhân (trong đó có các khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghệ cao với số lượng lao động lớn). Chưa kể, TP.Thủ Đức giáp ranh với tỉnh Bình Dương nên các khu nhà trọ khá phức tạp.

Liên quan vấn đề quản lý các khu nhà trọ này để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Kỳ Phùng cho biết địa phương đã họp bàn, tính toán chuẩn hóa các khu trọ. Trước mắt, sẽ vận động các chủ nhà để phòng trống, không cho thuê để nếu có F0 thì sẽ tạm thời cách ly vào đó.

Theo kế hoạch, từ ngày 22.11 đến cuối tháng 11, các đoàn công tác của HĐND TP.HCM tiến hành giám sát về công tác chống dịch và các chính sách hỗ trợ cho tuyến đầu, người dân khó khăn... đối với Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM, Sở TT-TT TP.HCM, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, UBND phường, xã, thị trấn.

Đoàn giám sát đánh giá cao công tác chi trả hỗ trợ của TP.Thủ Đức

Theo UBND TP.Thủ Đức, ở gói hỗ trợ đợt 1, địa phương đã hỗ trợ cho hơn 49.931/51.074 lao động tự do (đạt tỷ lệ 97,76%), 31.358 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương...

Ở gói hỗ trợ số 2, TP.Thủ Đức hỗ trợ cho 94.041/99.904 lượt người lao động tự do (đạt tỷ lệ 94%, hiện còn chưa chi hỗ trợ cho 5.863 người do từ chối nhận, không thuộc diện hỗ trợ, chưa nhận hỗ trợ do không có mặt tại địa phương, qua đời...). Đợt 2, địa phương cũng hỗ trợ cho 4.065/5.731 hộ nghèo, hộ cận nghèo (đạt 70,9%) và 191.414/196.220 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn (đạt 97.55%).

Đợt 3, địa phương chi hỗ trợ cho 965.506/969.890 người có hoàn cảnh thật sự khó khăn (tổng số nhân khẩu của TP.Thủ Đức là hơn 1,27 triệu người), còn lại 4.384 người chưa chi là do đang bị cách ly, điều trị bệnh, bảo trợ xã hội...

Riêng chính sách hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 12, tính đến ngày 24.11, TP.Thủ Đức đã chi hỗ trợ cho 6.725/7.025 người, còn lại 300 người chưa chi do chờ cung cấp số tài khoản ngân hàng.

Các thành viên đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đánh giá cao công tác chi trả hỗ trợ tại địa phương, nhất là khi số lượng dân cư trên địa bàn rất đông, đứng thứ nhất tại TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.