Dự án tranh chân dung 12 Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam được thực hiện bởi Vụ
Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) với ý tưởng khởi đầu từ Đại sứ Phạm Sanh Châu khi ông đảm nhận vai trò Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách Vụ này. Dự án này được lên ý tưởng, khởi động từ năm 2017 và chính thức thực hiện từ năm 2019. 6 họa sĩ Việt Nam có thế mạnh về vẽ tranh chân dung đã được mời tham gia dự án gồm: Lê Anh Vân, Lê Thế Anh, Tô Minh Trang, Bùi Văn Tuất, Nguyễn Văn Cường, Hải Kiên.
Theo đó mỗi họa sĩ đảm nhận vẽ 2 chân dung, bao gồm các bức chân dung vẽ Chủ tịch
Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ Bộ trưởng Ngoại giao lần 1 từ 28.8.1945 - 2.3.1946 và lần 2 từ 3.11.1946 - tháng 3.1947), cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (nhiệm kỳ Bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 4.1954 - tháng 2.1961), cố Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám (nhiệm kỳ từ tháng 3.1947- tháng 5.1954), nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ 8.6.1969 - 3.7.1976), cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (nhiệm kỳ từ 7.2.1980 - tháng 7.1991)...
Tranh chân dung nguyên Phó chủ tịch nước, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình (họa sĩ Nguyễn Văn Cường)
|
Họa sĩ Lê Thế Anh (người đảm nhận vẽ chân dung hai vị Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng và Hoàng Minh Giám) chia sẻ: “Nhớ lại hồi đầu năm, nhận lời mời của Bộ Ngoại giao và khi chính thức bắt tay vào sáng tác chỉ còn khoảng 3 tháng cho tất cả các khâu từ lấy tư liệu, duyệt phác thảo, duyệt chính thức..., tôi rất lo. Nhưng trên tất cả, tôi nghĩ cần vẽ tốt nhất trong khả năng như một sự tri ân với công lao mà các Cụ đã dành cho dân tộc". Họa sĩ Lê Thế Anh cũng cho biết trong suốt quá trình sáng tác, anh đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, đặc biệt từ gia đình cụ Hoàng Minh Giám.
"Giáo sư Hoàng Minh Giám là người vừa đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và sau này lại đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa... nên tôi đưa vào tranh chi tiết tủ sách và quả địa cầu. Cách diễn tả tay phải của Cụ hơi nắm, trong khi tay trải thả lỏng cũng nhằm diễn đạt phần nào vị trí công việc Cụ đảm nhận. Nhưng trên hết, Cụ là người nhẹ nhàng, hiền hậu. Sự hiền hậu của một người từng làm
nhà giáo, lại sinh ra trong gia đình Nho học", họa sĩ Lê Thế Anh thổ lộ và nói thêm: "Lại nói về bức tranh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tất cả những chi tiết như điện thoại bàn, chiếc đồng hồ chạy sai giờ, tờ giấy trắng, cách Cụ cầm bút nhưng tay gần như nắm lại cương nghị... đều có những thông điệp nhất định, trong đó tôi rất yêu cái chén hoa hồng gốm Bàu Trúc. Nó như một niềm yêu thương đau đáu mà Cụ dành cho miền Nam”.
Tranh chân dung cố Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng (họa sĩ Lê Thế Anh)
|
Đánh giá về 2 bức tranh chân dung do họa sĩ Lê Thế Anh thực hiện, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhận xét: “Là người đầu tiên đưa ra và phát triển ý tưởng này thành một dự án ở Bộ Ngoại giao, tôi rất hạnh phúc được chứng chiến thành quả. Bức chân dung đẹp, chân thực và đầy khí phách của người đứng đầu Bộ Ngoại giao”.
Danh sách hội đồng tuyển chọn
Hội đồng tuyển chọn các họa sĩ thực hiện dự án tranh chân dung của 12 Bộ trưởng Ngoại giao từ 1945 đến nay gồm có: họa sĩ Vi Kiến Thành (nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, nay là Cục trưởng Cục Điện ảnh), họa sĩ Lê Anh Vân (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), ông Mai Phan Dũng (Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO), họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)... Hội đồng đã mời họa sĩ Lê Anh Vân đảm nhận việc kiểm định chất lượng tranh sau khi các họa sĩ thực hiện xong.
|
Bình luận