Hé lộ mới về vụ ám sát Tổng thống Kennedy

21/12/2021 08:15 GMT+7

Những tài liệu vừa được chính quyền Mỹ giải mật hé lộ những tình tiết ly kỳ về việc liên lạc giữa hung thủ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy với người được cho là điệp viên Liên Xô.

Cuộc gặp với “điệp viên KGB”

Vài tuần trước khi xảy ra vụ ám sát, ngày 22.11.1963, hung thủ Lee Harvey Oswald đã đến Mexico City để gặp gỡ một quan chức được cho là điệp viên KGB của Liên Xô tại đây. Mối liên hệ này từng được nhắc đến, nhưng tài liệu của Cục Tình báo trung ương (CIA) vừa được chính quyền Mỹ giải mật tiết lộ thêm những chi tiết mới đáng chú ý về cuộc trao đổi giữa Oswald và Liên Xô.

Tổng thống John F. Kennedy và phu nhân Jacqueline tại Dallas ngày 22.11.1963

Theo đó, Oswald đã gặp lãnh sự Valery Vladimirovich Kostikov tại Đại sứ quán Liên Xô ở Mexico City vào ngày 23.9.1963. Biên bản của CIA một ngày sau vụ ám sát mô tả Kostikov là thành viên Cục 13 của KGB, đơn vị “chuyên trách các hoạt động phá hoại và ám sát”. Bản thân ông Kostikov được cho là từng ra lệnh cho một điệp viên hai mang Mỹ tham gia một âm mưu phá hoại trước đó, theo trang Independent.

Đến ngày 1.10.1963, Oswald gọi điện đến đại sứ quán và hỏi thông tin về việc gửi điện tín sang Washington. “Xin chào, tôi là Lee Oswald. Tôi đã đến đại sứ quán vào thứ bảy vừa qua và nói chuyện với một lãnh sự. Và họ nói rằng họ sẽ gửi một bức điện sang Washington. Tôi muốn hỏi liệu có tin gì mới chưa, nhưng tôi không nhớ tên vị lãnh sự”, Oswald nói bằng vốn tiếng Nga chưa được sõi với một nhân viên sứ quán. Sau đó, ông Kostikov bắt máy và trả lời: “Họ nói một đề nghị đã được gửi đi nhưng họ chưa nhận được gì cả”.

Theo báo cáo của CIA, Cục Điều tra liên bang (FBI) có lý do để tin rằng Oswald đã liên lạc nhằm nhờ Đại sứ quán Liên Xô giúp đỡ vấn đề hộ chiếu hoặc thị thực. Sau đó, Oswald quay về Mỹ qua biên giới Mexico và bang Texas trong tháng 10.1963.

Tuy nhiên, quan chức CIA soạn biên bản tỏ ra hoài nghi rằng nếu Oswald thật sự là điệp viên của KGB, liệu người này có xuất hiện công khai tại Đại sứ quán Liên Xô như vậy.

Hung thủ Lee Harvey Oswald (giữa) bị bắt sau vụ ám sát

Reuters

Âm mưu đã được cảnh báo

Cũng theo hồ sơ vừa được giải mật, CIA đã nhận được thông báo từ Bộ Hải quân Mỹ vài ngày sau vụ ám sát cho hay bộ này từng nhận cuộc gọi nặc danh cảnh báo nguy cơ ông Kennedy bị sát hại. Cụ thể, ngày 15.10.1962, một người tự xưng là “tài xế người Ba Lan của Đại sứ quán Liên Xô” tại Úc gọi cho tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở Canberra và nói các nước thuộc phe Liên Xô đã treo thưởng 100.000 USD để ám sát Tổng thống Kennedy. CIA không hề được báo cáo về cuộc gọi này cho đến sau vụ ám sát. Hai ngày sau vụ ám sát, một người nữa gọi đến Đại sứ quán Mỹ tại Úc quả quyết rằng Liên Xô đã tài trợ cho vụ việc.

Tuy nhiên, giới chức Úc tỏ ra hoài nghi khi xác định rằng các cơ quan của Liên Xô tại Úc chỉ tuyển tài xế Liên Xô và không có hồ sơ nào về biển số xe như người gọi miêu tả. Tháng 5.1964, Phó giám đốc CIA Richard Helms kết luận rằng bằng chứng có được cho thấy đó là cuộc gọi làm phiền, nhưng cũng lưu ý rằng “kết luận này có thể không được xác nhận”.

Nhiều tài liệu quan trọng chưa được công bố

Ngày 22.11.1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát khi đang diễu hành trên chiếc xe mui trần tại TP.Dallas, bang Texas. Hung thủ Lee Harvey Oswald, cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ, bị bắt vài giờ sau đó, nhưng bị bắn chết trên đường chuyển trại giam chỉ 2 ngày sau. Cái chết của y phủ một bức màn lên vụ án và dù Oswald được Ủy ban Warren (cơ quan được Tổng thống Lyndon Johnson thành lập để điều tra vụ án) xác định là hung thủ duy nhất và không chịu ảnh hưởng từ lực lượng bên ngoài nào.

Đến nay, 90% hồ sơ về vụ ám sát đã được giải mật, nhưng giới nghiên cứu cho rằng hàng chục ngàn hồ sơ quan trọng còn được chính quyền giữ lại. Theo quy định, Tổng thống Joe Biden phải công bố toàn bộ hồ sơ của Ủy ban Warren trước hạn chót là tháng 12.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.