Các tài liệu mật vừa được công bố cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã ra đời từ một “sai lầm chiến lược” của Mỹ.
IS vẫn đang hoành hành ở Iraq, Syria và vươn ra nhiều nước khác - Ảnh: Reuters
|
Bất chấp các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu và một số thất bại gần đây, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn tỏ ra không hề suy yếu mà còn tiếp tục vươn vòi đến nhiều nước.
Ngày 19.4, giới chức Iraq báo động rằng thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar, miền tây nước này, sắp lọt vào tay IS sau nhiều tháng bị vây hãm liên tục. AFP dẫn thống kê của LHQ cho thấy trong tuần qua đã có 90.000 dân thường tháo chạy khỏi Anbar. Cùng ngày, lực lượng này tung ra đoạn phim quay cảnh hành quyết hơn 30 người Công giáo tại Libya, đồng thời nhận trách nhiệm vụ đánh bom làm ít nhất 33 người chết tại Afghanistan hôm 18.4. Vụ tấn công này đánh dấu hành động lớn đầu tiên của IS nhằm vào Afghanistan.
Lâu nay, dư luận thế giới vẫn rất mù mờ về nguồn gốc IS và nguyên nhân tổ chức này có thể nhanh chóng bành trướng khắp Iraq, Syria và nhiều nước khác. Tờ Der Spiegel hôm qua dẫn các tài liệu mật thu được tại Syria cho thấy IS không đơn thuần là một lực lượng cuồng tín, tàn bạo như vẻ ngoài mà thực chất hoạt động rất bài bản về quân sự và tình báo, ra đời từ một nhóm tướng lĩnh cấp cao từng phục vụ dưới thời Tổng thống Saddam Hussein. Sau khi lật đổ thành công chính quyền Hussein, Mỹ lập tức giải tán quân đội Iraq cũng như đảng Baath cầm quyền. Nhiều tướng tá được đào tạo bài bản và cực kỳ thiện chiến trở nên “thất nghiệp, đau đớn và vô cùng căm hận phương Tây lẫn chính quyền mới của Iraq”. Theo Der Spiegel, khoảng giai đoạn 2006 - 2008, một nhóm sĩ quan tình báo và lục quân “xuất sắc, thông minh và rất cứng rắn” do Haji Bakr và Izzat Ibrahim al-Douri lãnh đạo bắt đầu liên hệ với một nhóm vũ trang chống Mỹ nhỏ mang tên Jama'at al-Tawhid wal-Jihad và dần dần chiếm quyền kiểm soát nhóm này rồi đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Iraq, tiền thân trực tiếp của IS. Theo Reuters, Al-Douri từng được xem là cánh tay mặt của ông Hussein trong đảng Baath trước đây và nhanh chóng lôi kéo được nhiều cựu binh tham gia.
Vốn là những người theo chủ nghĩa quốc gia hơn là Hồi giáo cực đoan nhưng nhóm sĩ quan nói trên nhận ra sự lợi hại của “ngọn cờ thánh chiến”. Vì thế vào năm 2010, họ đưa giáo sĩ Abu Bakr al-Baghdadi lên làm thủ lĩnh IS để tạo nên “bộ mặt tôn giáo” cho tổ chức. Nhiều chuyên gia nhận định ngoài sức hút của al-Baghdadi đối với các phần tử cực đoan, bộ sậu lãnh đạo phía sau đóng vai trò quyết định trong các chiến thắng trước lực lượng Iraq và Syria. Haji Bakr bị tiêu diệt năm 2014, còn al-Douri bị cho là đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của quân đội Iraq hồi cuối tuần trước, theo CNN. Trước khi chết, al-Douri tự thành lập một nhóm vũ trang riêng nhưng vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với IS.
Từ các thông tin trên, Der Spiegel nhận định rằng với quyết định giải tán quân đội Iraq cũ, Mỹ đã tạo ra cho mình những kẻ thù thông minh và vô cùng đáng sợ. Trong bài bình luận trên chuyên san The National Interest, nhà phân tích Robert Farley thuộc Đại học Kentucky (Mỹ) cũng nhận định đây là một sai lầm chiến lược di họa đến tận ngày nay.
Bình luận (0)