Hệ quả bi đát của chính sách zero-Covid ở Trung Quốc

04/01/2022 06:30 GMT+7

Khác với xu thế chung của thế giới là thích nghi an toàn với đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách zero-Covid (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng) nên dẫn đến nhiều hệ quả.

Tối 2.1, tờ South China Morning Post đăng bài viết về tình hình kinh doanh ảm đạm ở Trung Quốc ngay trong những ngày cận Tết Nguyên đán, mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách zero-Covid.

Hiệu ứng domino

Bài báo dẫn lại trường hợp của cô Hongmei, một người bán hàng may mặc tại một thành phố ở tỉnh Quảng Đông, đã phải thu dọn rời khỏi thành phố trong thời điểm chỉ còn khoảng 1 tháng là đến Tết Nguyên đán. Các năm trước, đây là giai đoạn “ăn nên làm ra” do nhu cầu mua sắm tăng cao.

TP.Tây An bị phong tỏa nghiêm ngặt trong nhiều ngày qua

AFP

Thế nhưng, đợt bùng phát dịch ở thành phố mà cô mưu sinh đã khiến cho công việc mua bán trở nên khó khăn do các quy định siết chặt kiểm soát theo chính sách zero-Covid. Khu vực 600.000 dân, gần nơi cô buôn bán, đã bị phong tỏa. Hậu quả, có ngày cô chỉ kiếm được khoảng 30 nhân dân tệ (gần 110.000 đồng), không đủ để trang trải chi phí thuê mặt bằng và chi tiêu cơ bản, nên phải về lại quê nhà ở phía tây tỉnh Quảng Đông.

“Những người xung quanh tôi, từ chủ doanh nghiệp nhỏ đến nhân viên khu vực tư nhân, bị bế tắc vì không có thu nhập trong cả tháng, nhưng chúng tôi vẫn phải trả từng xu tiền thuê nhà hoặc thế chấp, cộng với chi phí sinh hoạt”, cô nói.

Trung Quốc công bố 161 ca nhiễm Covid-19 mới

Tờ South China Morning Post dẫn trường hợp tương tự của ông Gloria Luo, Giám đốc kinh doanh cấp cao của một nhà sản xuất phụ tùng ô tô và khuôn mẫu công nghiệp có trụ sở tại Quảng Đông, cho biết từ năm ngoái, công ty buộc phải đóng cửa hầu hết các văn phòng ở nước ngoài. Ông cho biết nếu số nhân viên công ty lên đến 9.000 người hồi cách đây 3 năm, thì nay chỉ còn 4.000 người và tình hình rất khó khăn.

Ở TP.Đông Hoản (tỉnh Quảng Đông), việc phong tỏa tại khu vực Dalang vào giữa tháng 12 vừa qua đã khiến cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Theo đó, khu vực Dalang có hơn 17.000 cơ sở liên quan đến len, chiếm 1/6 số lượng áo len được sản xuất trên toàn thế giới. Chính vì thế, việc phong tỏa khu vực này đã gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Hiện nay, tổ hợp sản xuất chip nhớ trị giá 26 tỉ USD của Samsung ở TP.Tây An (tỉnh Thiểm Tây) đang phải đối mặt nhiều khó khăn do các biện pháp siết chặt, phong tỏa để phòng chống Covid-19. Tính đến hôm qua (3.1), đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở TP.Tây An đã bước vào ngày thứ 12.

Tờ báo dẫn lại phân tích của Tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) ngày 20.12.2021 đánh giá kinh tế Trung Quốc đang đối mặt các cú sốc từ phía cung do chi phí gia tăng của chính sách zero-Covid. Bên cạnh đó, còn là tình hình tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lĩnh vực bất động sản ngày càng xấu đi. “(Trung Quốc - NV) cần có các biện pháp nới lỏng và kích thích tích cực hơn để giải quyết trực tiếp những điểm nghẽn đó nhằm hướng tới phục hồi tăng trưởng”, theo phân tích của Nomura.

Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách zero-Covid

reuters

Việc phong tỏa, siết chặt dựa trên chính sách zero-Covid không chỉ khiến doanh nghiệp khó khăn, mà kéo theo thu nhập của đại đa số dân chúng cũng giảm đi. Điều đó khiến cho nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc giảm sút. Cụ thể, doanh thu bán lẻ trong 2 năm qua chỉ tăng trưởng 3,97%, trong khi tỷ lệ tăng trưởng trước năm 2019 là 8%. Trong khi đó, tình hình xuất khẩu của Trung Quốc đang gặp thách thức lớn do xung đột thương mại với Mỹ.

Tiến thoái lưỡng nan

Trả lời Thanh Niên ngày 3.1, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) phân tích: “Chính sách zero-Covid của Trung Quốc bắt nguồn từ ý chí chính trị và một thực tế là hệ thống y tế của nước này sẽ không thể chống chọi với một đợt bùng phát quy mô lớn”.

Trong đó, theo ông Nagy, về chính trị thì năm 2022 có các sự kiện quan trọng đối với nhà cầm quyền nước này như: Đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. “Thế vận hội mùa đông là cơ hội để Bắc Kinh quảng bá với dư luận trong nước và thế giới rằng Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc đã có thể kiểm soát đại dịch và tổ chức thành công một sự kiện quốc tế. Vì thế, bất kỳ sự bất ổn nào do Covid-19 gây ra bên trong Trung Quốc, thì cấp lãnh đạo cao nhất cũng có thể bị quy trách nhiệm. Chính sách zero-Covid là một phần liên quan việc lãnh đạo Trung Quốc bảo đảm đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản nước này diễn ra suôn sẻ và tạo điều kiện để củng cố vị trí của lãnh đạo”, PGS Nagy nhận định.

Trung Quốc muốn bệnh dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến Thế vận hội mùa đông 2022

REUTERS

Ông đánh giá thêm: “Về năng lực của hệ thống y tế Trung Quốc, vào cuối tháng 11.2021, tuần báo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh nước này đã phát hành một phân tích, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Đại học Bắc Kinh, để đánh giá những hậu quả tiềm ẩn nếu nước này ứng phó bằng chiến lược tương tự Mỹ, Anh, Israel… Theo đó, với kịch bản như vậy sẽ “tác động tàn phá đối với hệ thống y tế của Trung Quốc và gây ra một thảm họa lớn trong nước”. Hơn nữa, Trung Quốc gặp thách thức trong việc tổ chức tiêm chủng bằng nguồn vắc xin được đánh giá cao về hiệu quả nhằm đủ sức giảm mức độ diễn biến nghiêm trọng của các ca nhiễm Covid-19”.

Người Trung Quốc tưởng nhớ bác sĩ Lý Văn Lượng 2 năm sau trận dịch Covid-19 tại Vũ Hán

“Với việc các biến thể Delta và Omicron xuất hiện, chính sách zero-Covid của Trung Quốc có thể dẫn đến những hệ quả đáng lo cho nền kinh tế cũng như rủi ro về đợt bùng phát dịch quy mô lớn dẫn đến quá tải hệ thống y tế nước này”, theo PGS Nagy.

Như thế, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách zero-Covid bất chấp các hệ quả kinh tế.

Omicron khiến hơn 4.000 chuyến bay bị hủy

Reuters ngày 3.1 đưa tin hơn 4.000 chuyến bay đã bị hủy trên thế giới trong ngày 2.1, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại trong dịp lễ.

Thời điểm giáng sinh và năm mới thường là cao điểm đi lại của đường hàng không, nhưng biến thể Omicron khiến nhiều hãng phải hủy chuyến do thiếu hụt nhân sự. Tại Mỹ có đến hơn 2.400 chuyến bay bị hủy, trong khi toàn cầu có hơn 11.200 chuyến bay bị hoãn. Nhiều dịch vụ vận tải ở Mỹ tạm ngưng hoặc giảm cung cấp dịch vụ do thiếu hụt nhân viên. Các tổ chức hàng không cho hay nhiều thành viên phi hành đoàn phải cách ly và nhiều người không muốn làm thêm dịp lễ, dù phụ cấp rất cao. Nguyên nhân được cho là lo ngại nguy cơ nhiễm Covid-19 và không muốn gặp phải những hành khách ngang ngược. Cố vấn y tế Anthony Fauci của chính phủ Mỹ cho biết nước này chứng kiến sự “gia tăng dựng đứng” về số ca nhiễm Covid-19, với trung bình 400.000 ca/ngày, tăng hơn 200% sau 2 tuần.

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.