Hệ quả biến động chính trị Hàn Quốc với thế cuộc khu vực

12/12/2024 06:00 GMT+7

Biến động chính trị tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng, được dự báo có thể tác động không nhỏ đến tình hình khu vực.

Nỗ lực của Tổng thống Yoon

Chiều qua (11.12), tờ The Korea Times đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ chọn đối mặt với thủ tục luận tội thay vì nộp đơn xin từ chức, dù ông đã bị cấm xuất cảnh sau vụ đột ngột tuyên bố thiết quân luật vào ngày 3.12. Quyết định này của Tổng thống Hàn Quốc đi ngược lại lời kêu gọi từ chức từ chính các thành viên cùng đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền với ông Yoon.

Hệ quả biến động chính trị Hàn Quốc với thế cuộc khu vực- Ảnh 1.

Tổng thống Yoon Suk Yeol phát biểu trên truyền hình Hàn Quốc ngày 7.12

Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến liên quan, Yonhap đưa tin cảnh sát Hàn Quốc sáng 11.12 đã đột kích văn phòng Tổng thống Yoon để khám xét liên quan vụ ban bố thiết quân luật ngày 3.12. Không những vậy, trụ sở Cơ quan Cảnh sát đô thành Seoul, Cơ quan Cảnh sát quốc gia và Vệ binh Cảnh sát quốc hội cũng bị khám xét. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun đã cố tự sát trong lúc bị tạm giam để phục vụ điều tra.

Trả lời Thanh Niên ngày 11.12, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) cho rằng: "Ông Yoon đang tìm cách duy trì sự thống nhất trong PPP và sự ủng hộ để tránh bị luận tội, nhưng chính nội bộ PPP không còn ủng hộ sự lãnh đạo của ông".

Ảnh hưởng thế cuộc khu vực

Nhận xét về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chính trị lần này ở Hàn Quốc, GS Sato đánh giá: "Hợp tác quốc phòng giữa nước này với Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ mất đà sau những gì đang xảy ra, thậm chí xu thế hợp tác có thể bị đảo ngược nếu đảng đối lập tận dụng cơ hội ngăn chặn các sáng kiến của chính phủ. Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên vẫn lặng lẽ đứng ngoài cuộc tình trạng bất ổn chính trị của Hàn Quốc. Có lẽ, Bình Nhưỡng nhìn nhận tình hình hiện nay sẽ mở đường một lãnh đạo khác lên thay rồi nối lại đối thoại liên Triều theo diễn biến mà Triều Tiên mong muốn. Bắc Kinh có thể cũng nhìn nhận tương tự. Đối với Nhật Bản, Tổng thống Yoon là nhà lãnh đạo thuận lợi cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước mà cụ thể là nhiều sáng kiến hợp tác quốc phòng song phương đã được thúc đẩy".

Cũng trả lời Thanh Niên ngày 11.12, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: "Với bất ổn chính trị hiện nay ở Hàn Quốc, khả năng lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung trở thành tổng thống nước này có tác động nghiêm trọng đến quan hệ Seoul - Tokyo và quan hệ với Washington. Từng nói rằng Nhật Bản là một láng giềng thù địch, nên nếu trở thành Tổng thống Hàn Quốc thì chính sách của ông Lee có thể khiến Seoul quay trở lại các tranh chấp lịch sử với Tokyo, bao gồm vấn đề nô lệ tình dục và lao động cưỡng bức ngày trước. Thậm chí, nếu căng thẳng hơn thì Seoul có thể gây khó cho nhiều sáng kiến dưới thời ông Yoon như chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc, phối hợp về chuỗi cung ứng bán dẫn và hợp tác ba bên theo thỏa thuận trại David hồi năm ngoái giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ".

Liên quan vấn đề này, để đảm bảo hợp tác ba bên, từ năm 2023 cho đến giai đoạn cuối hiện nay của nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tích cực thể chế hóa quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn bằng các thỏa thuận hợp tác.

"Bên cạnh đó, một vấn đề cần tính đến là lập trường của ông Lee đối với Trung Quốc nói chung và vấn đề Đài Loan nói riêng. Ông từng phát biểu rằng Seoul "không nên khiêu khích" Bắc Kinh thông qua việc hợp tác với Washington và Tokyo, hay ông cũng nhận xét rằng Seoul chỉ nên nói "cảm ơn" với cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc. Như vậy, nếu trở thành Tổng thống Hàn Quốc, ông Lee có thể đảo ngược các chính sách mà nước này theo đuổi về việc duy trì một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", GS Nagy đánh giá.

Triều Tiên lần đầu lên tiếng vụ Hàn Quốc thiết quân luật

Sau 1 tuần im lặng, truyền thông CHDCND Triều Tiên lần đầu đưa tin về tình hình chính trị Hàn Quốc sau vụ thiết quân luật. Cụ thể, KCNA ngày 11.12 đưa tin: "Ông Yoon Suk Yeol, người đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về quản trị và luận tội, đã bất ngờ tuyên bố thiết quân luật và chĩa súng vào người dân". "Hành động điên rồ của ông Yoon, gợi nhớ cuộc đảo chính cách đây nhiều thập niên, đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm cả đảng đối lập, và càng làm bùng nổ làn sóng luận tội của công chúng", KCNA bình luận, đồng thời nhận định sự nghiệp chính trị của ông Yoon Suk Yeol có thể phải sớm kết thúc.

Trí Đỗ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.