Hệ thống phòng thủ chớp nhoáng của Nga

25/04/2015 08:24 GMT+7

Nga đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng không và phòng thủ tên lửa nhằm chặn đứng nguy cơ tiềm tàng từ chương trình Tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ.

Nga đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng không và phòng thủ tên lửa nhằm chặn đứng nguy cơ tiềm tàng từ chương trình Tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ.

Hệ thống phòng không S-400 được triển khai để bảo vệ thủ đô Moscow - Ảnh: Warfare.be
Hệ thống phòng không S-400 được triển khai bảo vệ thủ đô Moscow - Ảnh: Warfare.be
Trong tuyên bố mới đây trên Đài phát thanh tin tức nước Nga, Phó tư lệnh Binh chủng Phòng không vũ trụ Nga, thiếu tướng Kirill Makarov một lần nữa nhắc lại mối đe dọa then chốt đến từ chương trình Tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS) của Mỹ. Ông nhận định đó là một trong những thách thức lớn nhất đối với Binh chủng Phòng không vũ trụ Nga.
Nhiệm vụ tối thượng
Để đối phó với hệ thống không kích bằng vũ khí siêu chính xác trong vòng 60 phút mà Lầu Năm Góc đang phát triển, ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Nga là xây dựng một hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hữu hiệu. Thiếu tướng Makarov nhấn mạnh rằng giới lãnh đạo chính trị và quốc phòng Nga xem nhiệm vụ này có “tầm quan trọng tối thượng”.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quốc phòng Nga, PGS của Washington về cơ bản có cấu trúc tương tự như hệ thống tấn công phủ đầu và răn đe hạt nhân được gọi là bộ ba hạt nhân.
Đầu tiên, PGS triển khai những cuộc tấn công chớp nhoáng từ mặt đất và trên biển bằng các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Sự lựa chọn thứ hai mà Lầu Năm Góc đang phát triển chính là tên lửa siêu thanh phóng từ không trung. Kế đến, giới chức quân sự Mỹ đang cân nhắc các kế hoạch dội bom động lực học từ các vệ tinh trên quỹ đạo. Nga ước tính đến năm 2020, Mỹ sẽ có đến 8.000 tên lửa hành trình, trong đó khoảng 6.000 tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Thiếu tướng Makarov còn đi xa hơn khi cảnh báo rằng, “dưới những tình huống cụ thể”, những vũ khí nói trên của Mỹ có thể đặt những mục tiêu trên lãnh thổ của Liên bang Nga vào tầm ngắm.
Học thuyết quân sự mới được công bố vào cuối năm ngoái của Nga cũng đã liệt kê khái niệm PGS là một trong những mối đe dọa an ninh chính. Trước tình hình trên, giới chức quốc phòng Nga kêu gọi quân đội nước này gấp rút phát triển một hệ thống tương tự để đương cự với PGS. “Nga có khả năng và sẽ buộc phải phát triển hệ thống giống như PGS của Mỹ”, theo RIA-Novosti dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Yuri Borisov tại một sự kiện hồi năm ngoái.
Chớp nhoáng kiểu Nga
Để đối phó với mối đe dọa từ Mỹ, Nga đang phát triển một hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ mới, tức S-500, được thiết kế để đánh chặn những mục tiêu bay với tốc độ siêu âm. Tên lửa của hệ thống này “vẫn trong giai đoạn phát triển”, nhưng thiếu tướng Makarov tiết lộ một khi hoàn tất, nó đủ sức chặn đứng bất cứ mục tiêu đạn đạo và khí động lực nào đang lao đến. Bên cạnh đó, Nga cũng tiến hành cải tiến hệ thống S-400 và đã thử nghiệm thành công một loại tên lửa dẫn đường có tầm xa hơn so với phiên bản hiện có, theo thông báo của ông Makarov.
Trong khi bầu trời của thủ đô Nga hầu như bất khả xâm phạm trước bất kỳ cuộc không kích nào, Binh chủng Phòng không vũ trụ Nga đang cật lực bảo vệ các vùng biên giới xa xôi, giáp các quốc gia thành viên NATO và xa hơn nữa. Tại vùng Bắc cực, Nga đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không và chống pháo kích. Bộ Quốc phòng cũng lên kế hoạch triển khai máy bay đánh chặn MiG-31 để bảo vệ tàu bè Nga di chuyển dọc tuyến hàng hải phương bắc. Cùng lúc đó, một trạm ra đa tự động hoàn toàn đang trải qua những đợt kiểm tra cuối cùng. Dự kiến, hệ thống gồm những trạm ra đa không cần người vận hành này sẽ trải dài đến Bắc cực.
Hệ thống phòng thủ chung
Hãng tin Sputnik dẫn lời trung tướng Pavel Kurachenko, Phó giám đốc Ủy ban Hợp tác CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập), nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết hợp các hệ thống phòng không trong nỗ lực thiết lập mạng lưới phòng ngự tập thể tại Đông Âu, Trung Á và vùng Caucasus.
Từ lâu, Nga vẫn tiếp tục dẫn đầu các nỗ lực xây dựng lá chắn phòng thủ chung cho khối CIS. Hệ thống tích hợp phòng không đã được 10 quốc gia thành viên CIS thiết lập vào năm 1995, và hiện bao gồm các đơn vị không quân của Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Nga.
Mục tiêu của hệ thống này là nhằm đảm bảo không phận của các quốc gia thành viên, đồng thời cảnh báo sớm các vụ tấn công tên lửa và tận dụng sức mạnh chung để vô hiệu hóa những mối đe dọa ngoài khối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.