Heo, gà, bò... 'ăn' cả chung cư, sổ đỏ

Chí Nhân
Chí Nhân
25/03/2023 06:30 GMT+7

Từ trên cạn đến dưới nước, từ nông dân đến doanh nghiệp chăn nuôi đều "đứng hình" trước hàng loạt khó khăn chồng chất. Nhiều chủ trang trại phải bán cả nhà, đất bù lỗ cho trang trại nuôi heo, gà. Thế nhưng, lối ra vẫn chưa nhìn thấy.

Một lứa gà, lỗ 4-5 tỉ đồng

Trại gà của ông Nguyễn Văn Ngọc tại ấp Thái An (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), có quy mô 100.000 con gà thịt đang trong tình trạng tạm ngưng hoạt động do lỗ nặng. Thông thường, chỉ sau 20 ngày ông sẽ thả lại lứa gà mới nhưng lần xuất chuồng gần nhất cách đây gần 2 tháng.

Heo, gà, bò... 'ăn' chung cư, sổ đỏ - Ảnh 1.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, ngược lại giá bán heo, gà lại giảm

CHÍ NHÂN

Ông Ngọc tính toán giá cám hiện ở mức 13.500 đồng/kg. Để cho ra một ký gà thịt cần từ 1,6 kg thức ăn. Như vậy, để tạo ra một ký thịt gà tốn khoảng 21.500 đồng tiền cám. Một con gà lông trắng trọng lượng 2 kg tốn khoảng 43.000 đồng tiền thức ăn, thêm 5.000 đồng tiền con giống, rồi thuốc thú y, chi phí điện nước, nhân công, khấu hao tài sản và lãi ngân hàng… cũng 53.000 - 55.000 đồng/con. Trong khi đó, giá gà thịt hiện chỉ ở mức khoảng 48.000 - 49.000 đồng/con. Xuất chuồng mỗi con gà, người chăn nuôi lỗ khoảng 4.000 đồng.

"Một lứa gà chỉ chưa tới 2 tháng, mà trại tôi đã lỗ lên đến 4 - 5 tỉ đồng, tương đương một căn chung cư ở TP.HCM hoặc một lô đất. Thế nên đành phải ngưng lại xem tình hình thị trường chứ đã lỗ liên tiếp nhiều đợt, sợ lắm rồi. Mình không ngưng thì các đối tác, doanh nghiệp đầu mối cũng điều phối để giảm đàn và chưa cung cấp con giống", ông Ngọc nói.

Một lứa gà chỉ chưa tới 2 tháng, mà trại tôi đã lỗ lên đến 4 - 5 tỉ đồng, tương đương một căn chung cư ở TP.HCM hoặc một lô đất. Thế nên đành phải ngưng lại xem tình hình thị trường chứ đã lỗ liên tiếp nhiều đợt, sợ lắm rồi. Mình không ngưng thì các đối tác, doanh nghiệp đầu mối cũng điều phối để giảm đàn và chưa cung cấp con giống.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (chủ trại gà ở xã Tân An, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)

Cũng tại xã Tân An (Vĩnh Cữu, Đồng Nai), ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại Hoa Phượng, cho biết lỗ nhưng vẫn phải nuôi vì ngoài heo thịt còn có đàn nái lên đến 500 con. Gắn bó với nghề này 30 năm nay rồi nên không bỏ được và nhờ tự cung cấp con giống nên trang trại của ông Thắng lỗ ít hơn khá nhiều so với những hộ chỉ nuôi heo thịt.

"Như trại của tôi, một con heo giống để nuôi thịt có giá thành ít nhất 1,2 triệu đồng (bên ngoài khoảng 1,35 triệu đồng) cộng với chi phí thức ăn nuôi một con heo đạt trọng lượng 100 kg cần đến 4 triệu đồng. Như vậy chỉ 2 loại chi phí chính là giống và thức ăn đã lên đến 5,2 triệu đồng. Trong khi giá thành bán ra thực chất chỉ có 48.000 đồng/kg, lỗ "cứng" 400.000 đồng/con. Cộng thêm các khoản phụ khác thì mức lỗ lên đến cả triệu đồng/con", ông tính.

Heo, gà lỗ thảm, bò cũng không khá hơn. Ông Hoàng Văn Cần, một hộ nuôi bò ở Đồng Nai, than thở: Trước đây giá bò hơi 80.000 đồng/kg, sau đó rớt dần xuống còn 75.000 đồng/kg và giờ là 70.000 đồng/kg.

"Nhưng vấn đề bây giờ không phải là giá bao nhiêu nữa mà là thương lái không chịu mua. Nguyên nhân sâu xa là do thịt trâu bò nhập khẩu về nhiều, giá rẻ. Bên cạnh đó bò vỗ béo từ biên giới đưa về nên bò nội địa không thể cạnh tranh. Thương lái chê bò của mình nuôi "mông không bung", ít thịt, màu không đẹp khó bán. Nên người chăn nuôi không chỉ lỗ vì bài toán chi phí đầu ra đầu vào mà còn nhiều yếu tố khác nữa", ông Cần ngán ngẩm.

Hiện tượng lạ 

Là từ mà TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, dùng để diễn tả bức tranh hiện tại của ngành này. Bởi những năm trước, nếu chăn nuôi heo gặp khó thì gia cầm, bò khả quan và ngược lại. Nhưng năm nay thì vật nuôi nào cũng gặp khó. Nếu heo gặp khó khăn gần cả năm nay thì gà cũng đã khoảng 3 năm. Không chỉ nông dân mà doanh nghiệp, kể cả khối doanh nghiệp FDI cũng khó. Số hộ chăn nuôi nói chung đã giảm từ 4 triệu xuống còn 2 triệu hộ. Đây thật sự là một vấn đề quan trọng cần tìm ra giải pháp.

Theo ông Đạt, nếu ở góc độ chăn nuôi có thể thấy do giá thức ăn quá cao mà giá bán đầu ra lại thấp, dẫn đến thua lỗ nặng nề và kéo dài. Thế nên, bài toán đặt ra là phải giảm chi phí sản xuất để giảm lỗ. Tương tự, đầu ra đang có một số vấn đề về thị trường cũng cần tìm giải pháp. Cụ thể như tại TP.HCM, trước đây mỗi ngày tiêu thụ 10.000 - 12.000 con heo nay chỉ còn 7.000 - 8.000 con.

Khó từ trên cạn đến… dưới nước

Khó khăn không chỉ đối với ngành chăn nuôi gia súc hay gia cầm mà cả với lĩnh vực thủy sản xuất khẩu. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục, không ổn định. Điều này làm giá thành sản xuất, đặc biệt là mặt hàng tôm của VN, cao hơn các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Ecuador và Ấn Độ. Giá thức ăn tăng cũng ảnh hưởng đến một số mặt hàng thủy sản chủ lực khác là cá tra. Đáng nói, trong khi giá nguyên liệu tăng thì giá xuất khẩu lại giảm. Tại thị trường Mỹ, giá tôm nhập khẩu của nước này đầu năm nay giảm 10%, chỉ còn 8,5 USD/kg, giá cá tra phi lê đông lạnh giảm 9,2% còn 3,14 USD/kg so với cùng kỳ năm trước.

Thủy sản nuôi chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Chi phí sản xuất của VN cao càng làm cho ngành này khó cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là lý do mà mới đây VASEP cùng với một số hiệp hội ngành nghề khác kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu nành từ 2% xuống 0%. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng khiến khả năng cạnh tranh của thủy sản VN giảm. Việc giảm thuế nhập khẩu khô đậu nành, một trong những nguồn thức ăn chính cho tôm, cá, giúp cho thủy sản VN tiếp tục củng cố vị thế là một trong những nước sản xuất và xuất thủy sản lớn trên thế giới.

"Vậy phần giảm cả mấy ngàn con heo mỗi ngày đã đi đâu? Nhà máy, xí nghiệp giảm công nhân hay người tiêu dùng chuyển qua các loại thịt khác hoặc do thịt nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường?… Có lẽ là mỗi thứ chiếm một phần lý do", ông Đạt đặt vấn đề và cho rằng với thịt nhập khẩu, VN đã ký các hiệp định thương mại tự do nên việc mở cửa cho thịt nhập là điều phải chấp nhận. Tuy nhiên cần phải có các tiêu chuẩn về sản phẩm nhập khẩu.

"Khó khăn của ngành chăn nuôi hiện nay còn có nguyên nhân từ khâu thống kê và quản lý. Số liệu thống kê bằng biện pháp hành chánh nên không bám sát thực tế cuộc sống. Mặt khác, kế hoạch sản xuất của ngành nông nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể như năm 2023, kế hoạch sản xuất và cung cấp thịt các loại của ngành nông nghiệp vẫn tăng. Đó là những bất cập làm cho chúng ta không biết được chính xác đàn vật nuôi của mình bao nhiêu dẫn đến cung cầu lệch pha kéo dài", TS Đạt nhận định.

Ông Nguyễn Văn Ngọc thì cho rằng cần quản lý chất lượng thịt nhập đặc biệt là các phụ phẩm dạng thịt. Ở các nước, gà thải loại và phụ phẩm động vật trong quá trình giết mổ không ai bán cho người tiêu dùng. Trong khi bây giờ ở VN đến như "ngọc kê" (tinh hoàn gà) muốn mua cả tấn cũng có. Nhiều mặt hàng đông lạnh nhập khẩu về tới VN có giá chưa tới 1 USD/kg. Thời gian qua, nhóm mặt hàng này vào thị trường VN tung hoành ở các hàng quán, bếp ăn tập thể làm cho sản phẩm chăn nuôi của chúng ta không thể cạnh tranh. "Đó thường là thứ mà người mua không ăn còn người ăn không có lựa chọn", ông Ngọc nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.