|
Việc làm này nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp đổ trộm gây nguy hại môi trường.
Giám sát từ nguồn thải đến nơi xử lý
Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, lâu nay các doanh nghiệp (DN) thu gom, vận chuyển cũng có gắn thiết bị giám sát hành trình (như hộp đen của xe khách). Tuy nhiên, thiết bị hầu như không hoạt động do mất nguồn điện hoặc không được trả chi phí truyền dữ liệu tọa độ về doanh nghiệp (DN). Nên cơ quan quản lý môi trường không giám sát được đường đi của những xe này, dễ xảy ra hiện tượng thải trộm trong quá trình vận chuyển từ nơi nguồn đến nơi xử lý. “Trong năm 2012 xảy ra 8 vụ đổ trộm chất thải và năm 2013 là 2 vụ. Cho nên Sở TN-MT đã xây dựng một hệ thống giám sát phương tiên và quản lý chất thải cho mình”, ông Thường nói.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Thức, Phó phòng phát triển công nghệ thông tin (Sở TN-MT Đồng Nai) cho biết: “Hệ thống được phát triển trên ứng dụng Google Map. Theo đó mỗi xe thu gom, vận chuyển rác đều được gắn một thiết bị theo dõi, có chức năng ghi nhận lộ trình. Hằng ngày trong quá hoạt động nếu xe nào dừng ở những điểm bất hợp lý, hoặc dừng quá quá lâu (1 phút) trong quá trình vận chuyển rác từ nguồn thải đến nơi tập kết xử lý thì thiết bị sẽ gửi thông báo tự động và liên tục về hệ thống quản lý qua email. Trước đó những xe này đều phải đăng ký lộ trình đường đi, thời gian chạy, biển kiểm soát với Sở TN-MT”.
Ngoài ra hệ thống này còn quản lý được số lượng chất thải rắn phát sinh thông qua báo cáo hàng tháng các DN đăng ký với sở TN-MT về khối lượng và danh mục các loại chất thải của DN. Trên cở sở đó Sở TN-MT sẽ đối chiếu với khối lượng mà các khu xử lý tiếp nhận. nếu phát hiện chênh lệch thì tiến hành kiểm tra, xử lý.“Việc xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại tốn chi phí rất cao, nên dễ xảy ra tình trạng DN thu gom thải trộm đâu đó, không đem về nơi xử lý. Hệ thống này giúp phát hiện được tình trạng trên. Ngoài ra còn ngăn chặn trường hợp chủ nguồn chất thải câu kết với DN thu gom kê khai không đúng số lượng”. Ông Thức nói.
Giấy phép vượt tầm kiểm soát
Bà Võ Niệm Tường, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Đồng Nai cho biết, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 2.600 tấn chất thải thông thường và 236,3 tấn chất thải nguy hại. Từ khi hệ thống giám sát được đưa vào hoạt động đến nay đã có 287 chủ nguồn thải (DN sản xuất) tham gia kê khai, báo cáo chất thải rắn trên trang Wed của Sở TN-MT, giúp Sở cập nhật thường xuyên và chính xác khối lượng chất thải phát sinh phục vụ công tác quản lý.
“Tuy nhiên, số lượng DN thu gom, vận chuyển chất thải được giám sát, chỉ có 2 DN do UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép là Cty TNHH MTV Dịch vụ Môi trường đô thị Biên Hòa và Cty CP Dịch vụ Sonadezi. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện nay có hơn 70 cơ sở có chức năng thu gom, xử lý chất thải và 4 DN được Tổng cục môi trường (Bộ TN-MT) cấp phép, tiếp nhận xử lý khoảng 22,67 tấn chất thải nguy hại/ngày (chiếm 9,6%). Ngoài ra, còn nhiều DN tham gia thu gom, xử lý chất thải nguy hại hoạt động tại khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có Đồng Nai cũng do Tổng cục môi trường cấp phép. Chính điều này đã gây nhiều lo lắng cho Đồng Nai vì các DN do Tổng cục Môi trường cấp phép thì phía Sở TN-MT không quản lý được và không có quyền kiểm tra”, bà Tường cho biết.
Để giải quyết bất cấp này, tháng 8.2014, Sở đã có văn kiến nghị Tổng cục môi trường chia sẻ hồ sơ trực tuyến theo dõi hành trình phương tiện vận chuyển bằng GPS và cấp quyền truy cập cho Sở TN-MT nhằm kết nối với hệ thống theo dõi hành trình vận chuyển chất thải. Phía Tổng cục Môi trường đã có văn bản trả lời sẽ phối hợp, nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa có tiến triển.
Lê Lâm
>> Người dân vây bắt xe tải đổ trộm chất thải
>> Bắt quả tang xe bồn đổ trộm chất thải ra môi trường
>> Bắt 3 ô tô đổ trộm chất thải
>> Bắt xe bồn đổ trộm chất thải ra sông Đồng Nai
>> Tái diễn nạn đổ trộm chất thải xây dựng
Bình luận (0)