Hết giãn cách: Sài Gòn sẽ 'sống' lại từ những tiếng rao

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
29/09/2021 10:00 GMT+7

" Bánh mì nóng đây, bánh mì đặc ruột đây", tiếng rao bất ngờ vang lên trên phố sáng sớm nay khiến chị Trần Quyên giật mình và vô cùng xúc động. Có phải là Sài Gòn đã sắp hết giãn cách?

Thức dậy sau bao ngày ngủ mệt...

Chị Trần Quyên (ngụ tại chung cư Leman Luxury, Q.3, TP.HCM) kể lại: "Sáng sớm nay đang đứng ở trên lầu ngắm nắng, tôi bất ngờ nghe tiếng "bánh mì nóng đây, bánh mì đặc ruột đây". Có vậy thôi mà xúc động rưng rưng! Âm thanh này cho tôi cảm giác Sài Gòn đang bắt đầu hồi sinh sau những ngày dài "trọng thương" bởi dịch Covid-19. Những ngày Sài Gòn im vắng như đang ngủ li bì trong cơn mệt. Tôi yêu Sài Gòn vô cùng, yêu từ những tiếng rao bình dị mà đầy sức sống như thế. Vì thế, tôi mong đợi ngày hết giãn cách để nhịp sống người dân trở lại bình thường, tôi lại được nghe những tiếng rao trong thành phố".

Sài Gòn sẽ sớm bình yên và nhộn nhịp trở lại

ĐỘC LẬP

Nhiều người cũng cho biết mình đã được nghe lại những tiếng rao quen thuộc trong vài ngày trở lại đây và bày tỏ hy vọng "rồi Sài Gòn sẽ sớm nhộn nhịp trở lại thôi".
Bác sĩ trẻ - thạc sĩ Phạm Minh Nhựt, công tác tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, những ngày này vẫn đang chống dịch tại Trung tâm cấp cứu 115, chia sẻ: "Mỗi lần vận chuyển người bệnh, chiếc xe cứu thương đi qua bao con phố chỉ một trong ánh đèn nhấp nháy xanh đỏ. Hay khi từ trung tâm trở về nhà trong đêm muộn, tôi có cảm giác mình thật lạc lõng trên con đường vắng lặng. Nhưng những ngày đó sắp qua rồi. Giờ thay vào đó là một cảm giác hân hoan. Tôi chợt nghĩ đây có phải là mơ hay thật, Sài Gòn dường như đã hồi phục, đang nhẹ nhàng nâng niu từng hơi thở... Những âm thanh của cuộc sống đời thường nơi đây như đang dần thức dậy. Sau 5 tháng vắng lặng trong cuộc chiến với dịch Covid-19, chúng ta lại nghe được những tiếng rao thân thương của đường phố Sài Gòn...".

Bác sĩ - thạc sĩ Phạm Minh Nhựt thấy Sài Gòn như đang hồi phục, bắt đầu từ tiếng rao thân thương

NVCC

Phan Minh Toàn, sinh viên năm cuối chuyên ngành cấp cứu ngoại viện thuộc Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng đang là tình tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19. Toàn sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, thành phố đầy năng động với nhịp sống tươi vui náo nhiệt.
"Thế nhưng kể từ đợt dịch Covid-19 bùng phát, các đợt giãn cách kéo dài đã phần nào làm cho những âm thanh quen thuộc của Sài Gòn thuyên giảm. Trong đó có những tiếng rao thân thuộc của Sài Gòn thân thương. Tôi chỉ còn nghe những âm thanh của tiếng tổ trưởng khu phố kêu gọi người dân ra thực hiện lấy mẫu tầm soát. Chưa bao giờ thành phố này im ắng đến thế. Nhưng sáng ngày hôm nay, tôi cũng đã bắt đầu nghe được những tiếng rao quen thuộc. Tiếng rao báo hiệu Sài Gòn đang sống trở lại", Minh Toàn rưng rưng.

Nhiều rào chắn được dỡ bỏ, shipper TP.HCM vui mừng thoát cảnh ‘1 đơn giao mấy tiếng’

Người dân sẽ tiếp tục được mưu sinh

Đối với Lê Mộc Miên, ngụ tại chung cư Conic, huyện Bình Chánh, TP.HCM, tiếng rao là một phần không thể thiếu Sài Gòn. "Nhà em thì xa, đặc biệt mỗi khi đi qua đoạn đường Nguyễn Văn Linh thì hai bên đường đầy những xe bán hàng rong, mỗi xe họ rao mỗi kiểu, nào là trái cây miền tây, tôm cua cá hải sản... Em hay thích để ý nghe xem họ đang "sáng tạo nội dung" kiểu gì. Ấy vậy mà đường về nhà tuy xa cũng đỡ buồn chán hơn, thấy thành phố mình sao mà sôi động nhộn nhịp quá, người nông dân mình giờ biết sáng tạo trong chuyện làm ăn quá", Mộc Miên cho biết.

Mộc Miên xúc động khi người dân được mưu sinh trở lại khi hết giãn cách

NVCC

Những ngày giãn cách vừa qua, có dịp được cấp giấy đi đường, Mộc Miên băng qua đoạn đường vắng hoe, không một bóng xe hàng rong, không một tiếng rao í ới. Đổi lại cô chỉ thấy người dân thuộc các hộ nghèo đứng tràn ra 2 bên đường để chờ cứu trợ.
"Em thấy xót xa vì dịch bệnh đã khiến người dân ở đó không còn được cất lên những lời rao bán để mưu sinh nữa. Hồi dịch chưa bùng phát, nghe tiếng rao bánh mì, chưng gai bánh tét vào sáng sớm, hay ngồi quán lề đường nghe "vịt lộn, vịt dữa, xào me", có người cảm thấy ồn và bị làm phiền. Nhưng giờ đây, nếu được nghe lại mỗi ngày thì chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy mừng nhiều hơn, vì biết cuộc sống đã trở lại bình thường, người dân lại được tiếp tục mưu sinh", Mộc Miên bày tỏ.

Chàng sinh viên năm cuối Minh Toàn thương những tiếng rao trên phố  

H.D

Với Minh Toàn, vắng đi tiếng rao, Sài Gòn buồn đến nao lòng. Những âm thanh quen thuộc, những tiếng cười đùa, tiếng xe cộ nhộn nhịp của đường xá Sài Gòn đã trờ thành đặc sản của một thành phố hoa lệ. Toàn chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ: "Đó là buổi tối mưa gió gần đây, khoảng 20 giờ, tôi nghe thấy tiếng rao bánh mì vang lên trong đêm “Bánh mì không đây? Bánh mì nóng đặc biệt thơm ngon, ba ngàn một ổ…”. Tôi rưng rưng xúc động và vô cùng thương cảm. Những người bán hàng rong đã quá vất vả, không kể đêm mưa gió, không kể dịch bệnh nguy hiểm để mưu sinh. Tôi bèn xin phép chị Chỉ huy trưởng ra mua ủng hộ bác ấy. Chị cũng nói tôi hãy mang thêm mấy phần cơm ra tặng bác nhưng phải đảm bảo tuân thủ 5K. Tôi vui mừng lập tức thực hiện ngay. Bác bán bánh mì đã rất cảm động và cảm ơn tôi về những phần cơm ấy".
Nam sinh viên rất mong muốn khi hết giãn cách, thành phố cho phép nhiều hoạt động trở lại, thì tất cả vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ kết quả chống dịch trong suốt nhiều tháng qua. "Việc kiểm soát các ca nhiễm sẽ dễ dàng hơn nếu như những cô chú bán hàng rong tuân thủ các nguyên tắc về phòng chống dịch. Khi ấy, những tiếng rao "bánh mì nóng đây", "hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn, bắp xào me đây" sẽ mang đến cảm giác thật thân thương và yên bình", Toàn bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.