Hết năm 2021, vẫn còn 23 chợ tại TP.HCM chưa mở lại được

Nguyên Nga
Nguyên Nga
29/12/2021 12:11 GMT+7

Từ hôm nay (29.12) đến hết ngày 31.12, theo kế hoạch, TP.HCM sẽ mở thêm 7 chợ truyền thống, nâng số chợ mở cửa hoạt động trở lại lên 210 chợ trong tổng số 233 chợ truyền thống của thành phố.

Cụ thể, 7 chợ được mở trong 3 ngày tới là chợ Khiết Tâm, chợ Tam Hải, chợ Lê Mai (Linh Trung 2, TP.Thủ Đức); chợ Tân Kiểng 1, chợ Tân Quy, chợ Cư xá Ngân Hàng (quận 7) và chợ Nguyễn Văn Chéo ở quận Bình Tân.

Sau thời gian dài đóng cửa chợ truyền thống, nhiều chợ tự phát đã "mọc" lên và đến nay, công tác dẹp chợ tự phát khá khó khăn cho lực lượng chức năng

NG.NG

Như vậy, hết năm nay, còn 23 chợ truyền thống chưa mở cửa trở lại. Trong khi đó, 3 chợ đầu mối đã mở và đang hoạt động bình thường. Hiện các chợ mở lại chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.

Tính đến ngày 29.12, TP.HCM có 106 siêu thị hoạt động, 73 cửa hàng tiện lợi đang tạm ngưng hoạt động do hoạt động kinh doanh kém, không thể duy trì, một số cửa hàng chủ động đóng cửa để điều động nhân sự cho siêu thị, kho, trung tâm phân phối hoặc tạm ngưng để cải tạo, sửa chữa.

Báo cáo nhanh từ Sở Công thương cho biết, lượng hàng hóa cung ứng và tiêu thụ tại TP.HCM trung bình mỗi ngày hơn 10.000 tấn, chẳng hạn, ngày 28.12 hơn 10.200 tấn, ngày 27.12 là 10.780 tấn. Trong đó, hàng về 3 chợ đầu mối mỗi đêm hơn 5.000 tấn, số còn lại từ siêu thị và các doanh nghiệp phân phối, bình ổn giá… Hiện tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng rau củ quả về chợ đêm ước đạt gần 2.000 tấn, chợ đầu mối Thủ Đức hơn 1.200 tấn rau củ và trái cây, chợ đầu mối Bình Điền cũng tương đương hơn 1.200 tấn, tập trung hàng rau củ quả, thủy hải sản.

Chợ truyền thống mở lại chủ yếu kinh doanh hàng lương thực, thực phẩm

NG.NG

Ngày 28.12, tại buổi tọa đàm về hàng hóa tết, đại diện Công ty Vissan cũng cho hay, tình trạng chợ tự phát, kinh doanh hàng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu vực quanh chợ truyền thống, chợ đầu mối, tự phát trong các khu dân cư vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Sở Công thương, “vấn nạn” chợ tự phát tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các thương nhân trong chợ và người bán tự do ngoài chợ, ảnh hưởng lớn đến công tác an toàn, phòng chống dịch của thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.