Sở Công thương nói gì trước thắc mắc giá cả hàng hóa tăng?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
04/12/2021 11:19 GMT+7

Nhiều người dân thắc mắc về việc giá hàng hóa trong siêu thị cao hơn giá ngoài chợ, giá ở chợ truyền thống lại cao hơn giá ở chợ tự phát...

Thắc mắc trên được nhiều người dân gửi đến lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM, nhà bán lẻ... trong chương trình "Dân hỏi - thành phố trả lời" với chủ đề "Mua sắm an toàn trong điều kiện bình thường mới" vào tối 3.12.

Sẽ có chương trình bán hàng lưu động, khuyến mãi giảm giá mạnh cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp từ này đến Tết Nguyên đán

chụp màn hình

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - thừa nhận có thực trạng này và việc giá cả tăng nói chung trên toàn thế giới do đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát và nhiều yếu tố liên quan đến dịch bệnh. Ông lưu ý, an toàn thực phẩm rất quan trọng, nên hàng hóa tại chợ tự phát khó bảo đảm an toàn, không rõ ràng nguồn gốc như hàng hóa trong chợ truyền thống hay siêu thị.

Thế nên, chương trình khuyến mãi tập trung của thành phố đã và đang triển khai cũng là một cách để nhà sản xuất, nhà phân phối cùng giảm hàng hóa, tăng sức mua, giúp hoạt động sản xuất tăng trưởng, kéo giá cả xuống.

Nói thêm về giá cả chênh lệch giữa siêu thị và các chợ, đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết do phụ thuộc nhiều yếu tố, chẳng hạn hàng hóa trong siêu thị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo so với những địa điểm khác bán hàng khó đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên thời gian qua, vị này nhấn mạnh, hệ thống bán lẻ Satra vẫn giữ giá bình ổn.

Người lao động tại TP.HCM điều trị Covid-19 tại nhà làm sao để hưởng BHXH?

Ngoài ra, một số thắc mắc hỏi lãnh đạo ngành công thương thành phố ngoài việc tháng khuyến mãi tập trung, còn có biện pháp nào kéo giảm giá tăng cao trong thời gian qua, đưa hàng giá rẻ đến với người khó khăn, công nhân trong thời gian tới, đặc biệt Tết Nguyên đán. Đại diện Sở Công thương thông tin, thành phố sẽ tiếp tục duy trì mô hình bán hàng lưu động. Đặc biệt, nếu xảy ra tình trạng hàng thiếu cục bộ tại một số khu vực đẩy giá tăng, sẽ có những chuyến xe lưu động đến khu vực này để bình ổn giá, tránh kéo theo giá tăng theo hiệu ứng domino.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tăng cường bán hàng lưu động cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo ông Phương, hàng hóa đưa tới phục vụ cho công nhân là hàng bình ổn thị trường và có thêm chương trình giảm giá nên sẽ có mức giá giảm sâu cho người lao động.

Trong phần trả lời các thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Nguyên Phương cũng thông tin thành phố đánh giá thận trọng việc cho mở bán rượu bia trong các cơ sở dịch vụ ăn uống. "Chưa thấy cơ sở nào để nói rằng nó có nguy cơ lây nhiễm cao từ việc uống rượu bia. Tất nhiên việc tiếp xúc gần, ăn uống với nhau… thì thường có nguy cơ cao hơn, song chưa có cơ sở để nói tất cả gia tăng lây nhiễm từ việc bán rượu bia này. Thế nên không nên quá lo lắng, nhưng vẫn thận trọng, vì vậy thành phố tiếp tục giao trách nhiệm để Sở Công thương và các quận huyện theo dõi" - ông Phương thông tin. Như vậy, việc bán rượu bia trong nhà hàng quán ăn vẫn đang được thành phố thí điểm "một cách thận trọng" đến hết tháng 12 này, hay quy định nhà hàng quán ăn phải đóng cửa trước 22 giờ hằng ngày cũng sẽ được bỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.