Hết thời ‘ai biết đâu mà sợ’

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
11/02/2019 04:33 GMT+7

Chuyện "chặt chém" khách lạ; khách từ phương xa tới, khách du lịch hay khách lỡ đường phải tạt vào nhà hàng, quán trọ ăn uống nghỉ ngơi với tâm lý "họ chỉ ghé một lần, có ai biết đâu mà sợ" đã qua.

Với sự phát triển của mạng xã hội, những hành vi xấu xí thế này sẽ được truyền đi khắp nơi và đó là dấu chấm hết cho những cá nhân, doanh nghiệp có tâm lý kinh doanh chụp giựt.
Mấy ngày nay mạng xã hội lan truyền phiếu thanh toán với giá "cắt cổ" của nhà hàng mang tên Hưng Phát ở Nha Trang với nhóm du khách Malaysia khiến nhiều người phẫn nộ. Theo đó, món đậu bắp luộc được tính 300.000 đồng/phần, đậu hà lan xào tỏi 300.000 đồng/phần, cơm trắng 200.000 đồng/phần, trứng xào cà chua 500.000 đồng/phần...
Cũng thời điểm gần tết năm 2018, mạng xã hội đã chộp được hành vi chặt chém một du khách nước ngoài của người phụ nữ bán bánh rán với giá 80.000 đồng cho 4 cái... Thực tế những chuyện này không phải bây giờ mới xảy ra, nó phổ biến đến mức khiến một số địa phương bị mang tiếng xấu. Không ít người Nam ra Bắc rất ngại mua bán vì "nghe giọng Nam là hét giá khác".
Chặt chém nhiều năm nay bị coi là bệnh nan y ở Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) phải rất quyết liệt địa phương mới dẹp yên. "Chém" món trứng xào cà chua với giá 500.000 đồng/phần, chỉ một nhà hàng Hưng Phát đã hủy hoại biết bao công sức xây dựng hình ảnh du lịch của Nha Trang...
Chẳng riêng gì chuyện chặt chém trong kinh doanh, giờ đây tất cả những hành vi xấu xí, vi phạm pháp luật ở bất cứ đâu bằng cách này, cách kia đều có thể được ghi lại, được đăng tải cho cả cộng đồng biết. Vụ người đàn ông thẳng tay tát người phụ nữ khi va chạm giao thông ở Đồng Nai được camera hành trình ghi đã dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội từ phía dư luận khiến người đàn ông phải lên tiếng nhận và xin lỗi. Rồi vụ "cao hứng" ăn nhậu trong làn khẩn cấp cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào trưa mùng 2 tết…
Dẫn lại để thấy, đã qua cái thời "ai biết đâu mà sợ", những tư tưởng làm ăn chụp giựt. Giờ đây, mỗi du khách, mỗi người dân đều có thể ghi nhận, phản ánh các hành vi xấu xí này tới cộng đồng qua mạng xã hội. Mà mạng xã hội thì không biên giới nên không chỉ cá nhân đó, doanh nghiệp đó bị chê cười, lên án hay tẩy chay mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của cả quốc gia. Vì vậy, muốn làm ăn bền vững, lâu dài thì không cách nào khác là phải tạo dựng uy tín thông qua chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ. Mỗi cá nhân phải tự rèn giũa cho mình một thái độ sống văn minh. Tiếng xấu đồn xa thì những hành động đẹp, những sự tử tế trong cuộc sống, sự chuyên nghiệp trong kinh doanh cũng lan tỏa, cũng nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của cộng đồng.
Tất nhiên, bên cạnh đó phải có những chế tài đủ nghiêm, mạnh để không xảy ra tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh", một vài người, một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả xã hội, cả đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.