Hiểm họa bóng cười - Kỳ cuối: Đã đến lúc điều chỉnh chế tài đủ sức ngăn 'bão'

24/03/2023 04:36 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng cần đưa khí N2O vào danh mục chất cấm để cảnh tỉnh những ai đang sử dụng, cũng như làm cơ sở xử lý hình sự cơ sở bán bóng cười.

Như Thanh Niên từ ngày 20 - 23.3 phản ánh, dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, song trong suốt mấy năm trở lại đây, bóng cười trở thành món "đồ chơi" trong nhiều cuộc thâu đêm suốt sáng của một bộ phận người trẻ, bất chấp hiểm họa về sức khỏe, bất chấp thực tế từng có nhiều nạn nhân phải nhập viện điều trị.

Khi trả lời Thanh Niên, các y bác sĩ, chuyên gia sức khỏe đều đã chỉ rõ nhiều tác hại khôn lường của tình trạng lạm dụng bóng cười. Đáng lo nhất, bóng cười là "mồi nhử" khiến người sử dụng sa vào nghiện ngập, tổn thương vỏ não không hồi phục...

Bài 4_Hiểm họa bóng cười: Công an vào cuộc để cắt đứt nguồn cung - Ảnh 1.

Khách hút bóng cười tại một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Bình Thạnh

TRẦN DUY KHÁNH

Ngày 21.3, ông Trần Đăng Khoa, Chánh văn phòng UBND Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh từ Báo Thanh Niên về một số quán nhậu, cà phê trên đường Phạm Văn Đồng bán bóng cười cho khách, Thường trực UBND quận yêu cầu 20 phường trên địa bàn kiểm tra ngay và báo cáo kết quả xử lý.

"Riêng 2 phường trọng điểm dọc tuyến Phạm Văn Đồng (P.11 và P.13) phải rà soát kỹ. Thường trực UBND quận yêu cầu phải xử lý triệt để, cương quyết", ông Khoa nói.

Trên thực tế, việc các phường kiểm tra, thu giữ, xử phạt hành chính các cơ sở kinh doanh cung ứng bóng cười cho khách mới chỉ giải quyết được phần ngọn. 

Ông Phạm Xuân Túy, Phó chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) nhận định so với trước đây thì tình trạng bán bóng cười khu vực phố tây Bùi Viện đã giảm nhiều, nhưng vẫn chưa triệt để.

Bài 4_Hiểm họa bóng cười: Công an vào cuộc để cắt đứt nguồn cung - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng P.Phạm Ngũ Lão Q.1 phát hiện 2 bình nghi khí cười tại một nhà hàng trên đường Bùi Viện, tối 20.3

TRẦN DUY KHÁNH

Do lợi nhuận từ kinh doanh bóng cười khá lớn và để giữ chân khách nên nhiều beer club, bar, quán nhậu, cà phê bất chấp cam kết đã ký với phường, vẫn lén lút bán. Sau nhiều lần bị xử phạt hành chính, các cơ sở kinh doanh dùng chiêu đối phó như thuê nhà dân cạnh quán làm nhà kho chứa bình đựng khí N2O (khí cười). Khi bị lập biên bản thì không nhận bình khí N2O là của cơ sở, hoặc "đôi co" nói đó là khí gas, khí ô xy rồi đòi kiểm định…

Lãnh đạo P.Phạm Ngũ Lão cho biết thêm, trong thẩm quyền của phường thì chỉ lập biên bản lỗi sản phẩm không rõ nguồn gốc, mức phạt 22,5 triệu đồng. Trong khi đó, công an quận với các biện pháp nghiệp vụ có thể xác minh người bán, người mua và xử lý tận gốc. Trong thời gian qua, Công an Q.1 vào cuộc tìm hiểu, phát hiện, thu giữ hàng trăm bình khí N2O.

Chánh văn phòng UBND Q.Bình Thạnh Trần Đăng Khoa cũng cho biết thêm, UBND quận cũng đã giao Công an Q.Bình Thạnh rà soát, nắm bắt các đường dây cung ứng khí bóng cười trên địa bàn để xử lý tận gốc.

Về việc rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh tái phạm nhiều lần, ông Khoa cho rằng phải thực hiện theo quy định về giấy phép kinh doanh.

Bài 4_Hiểm họa bóng cười: Công an vào cuộc để cắt đứt nguồn cung - Ảnh 3.

Nhiều nhà hàng, beer club lén lút sang chiết khí cười vào bong bóng phục vụ khách đến quán

TRẦN DUY KHÁNH

Đưa vào danh mục chất cấm để xử lý hình sự

Bóng cười được giới trẻ sử dụng như một "thú vui thời thượng" từ nhiều năm qua, nhưng hệ quả lớn nhất từng được ghi nhận là vụ 7 thanh niên tử vong tại lễ hội âm nhạc điện tử tại công viên nước hồ Tây (Hà Nội) vào tháng 6.2018. Lực lượng chức năng ghi nhận có bóng cười cùng nhiều tinh thể màu trắng, viên nén nghi ma túy tại hiện trường.

Nguồn tin của Thanh Niên cho hay nếu bơm khí N2O đầy quả bóng thì cơ sở bán chỉ được 2 - 3 bóng cười, thì khách đã "phê". Do đó, nhiều quán dùng chiêu bơm thêm ô xy vào để nồng độ khí cười loãng ra, khi đó khách có thể "chơi" cả 10 - 15 bóng cười. Cách này giúp quán tăng doanh thu.

Ông Phạm Xuân Túy cho rằng, theo quy định hiện hành thì khí N2O được dùng vào mục đích y tế, công nghiệp, nếu cơ sở kinh doanh đưa vào phục vụ cho con người hút trực tiếp thì bị xử phạt. 

"Nếu đưa khí N2O vào danh mục chất cấm thì có thể xử phạt cả người sử dụng và cơ sở cung ứng", ông Túy nói.

Bài 4_Hiểm họa bóng cười: Công an vào cuộc để cắt đứt nguồn cung - Ảnh 4.

Nhiều ý kiến đề xuất đưa khí N2O vào danh mục chất cấm để xử phạt cả người bán lẫn người sử dụng

T.N

Công an vào cuộc để cắt đứt nguồn cung phi pháp

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM cho biết khí N2O, hay còn gọi là khí cười là chất dùng cho hoạt động y tế, công nghiệp. Do vậy, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, hoặc doanh nghiệp dùng làm chất bảo quản sản phẩm.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng không quy định đây là chất cấm sử dụng, nên dù biết ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ảo giác, loạn thần và dẫn đến mất kiểm soát hành vi nhưng nhiều người vẫn sử dụng. Đây là vướng mắc lớn nhất khiến việc xử lý chưa triệt để.

Về giải pháp trước mắt, ông Đức cho rằng chính quyền địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở như quán karaoke, bar, vũ trường, nhà hàng kinh doanh bóng cười. Dù vậy, việc xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe, do lợi nhuận từ mặt hàng này mang lại khá lớn.

Hiểm họa bóng cười - Kỳ cuối: Đã đến lúc điều chỉnh chế tài đủ sức ngăn 'bão' - Ảnh 5.

Bóng cười là "mồi nhử" khiến người sử dụng sa vào nghiện ngập, tổn thương vỏ não không hồi phục...

TRẦN DUY KHÁNH

Lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND TP.HCM phân tích, để giải quyết tận gốc thì phải cắt đứt nguồn cung cho các cơ sở kinh doanh. Cụ thể, Công an TP.HCM và các quận, huyện cần điều tra, khám phá, triệt phá các cơ cơ cung cấp khí N2O. 

"Vừa qua, Công an Q.1 điều tra, xử lý, thu giữ hàng trăm bình khí N2O, để chật cả kho tạm giữ", ông Đức dẫn chứng sau buổi khảo sát mới đây.

Về lâu dài, đại biểu Lê Minh Đức đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét đưa khí N2O và khí tương tự có thể phát sinh vào danh mục chất cấm, không được phép sử dụng để con người hút trực tiếp. Khi đó, không chỉ cơ sở kinh doanh mà cả người sử dụng cũng bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới đủ sức răn đe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.