Hiểm họa cháy rừng

12/03/2012 03:24 GMT+7

Các tỉnh phía nam đang phải chống chọi với nắng đầu mùa. Mùa nắng nóng đồng nghĩa với mùa cháy rừng. Nơi nào cũng báo động đỏ. Trong khi đó miền Bắc vẫn rét lạnh. Vậy mà giữa mùa rét vẫn cháy rừng, lại cháy bạo ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai; nơi có ngọn núi Fansipan, cao nhất Đông Dương sừng sững và kiêu hãnh.

Các tỉnh phía nam đang phải chống chọi với nắng đầu mùa. Mùa nắng nóng đồng nghĩa với mùa cháy rừng. Nơi nào cũng báo động đỏ. Trong khi đó miền Bắc vẫn rét lạnh. Vậy mà giữa mùa rét vẫn cháy rừng, lại cháy bạo ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai; nơi có ngọn núi Fansipan, cao nhất Đông Dương sừng sững và kiêu hãnh.

Có dịp len lỏi giữa rừng già nguyên sinh như trong cổ tích ở đây nhưng có những đoạn “trống vắng” đến lạ lùng, tôi mới hay, đó là những vạt rừng bị cháy trong trận hỏa hoạn 2 năm trước. Cây bụi và cỏ xanh um nhưng những thân cây cháy đen sì vẫn trơ gan nhức nhối, như một lời cảnh báo đớn đau về hiểm họa cháy rừng. Tôi cảm thấy khó thở hơn, không phải vì áp suất độ cao mà nỗi đau rừng cháy. Thoảng như trong gió mùi khói, mùi khét dù không hề có chút lửa nào.

Như đã nói ở trên, mới đây, rừng Hoàng Liên, vườn di sản Asian của Việt Nam, lại bị cháy. Tin tức được cập nhật  từng ngày. Trời Sài Gòn đã nóng càng thêm nóng. Bùng phát dữ dội từ ngày 2.3.2012. Lào Cai huy động hàng ngàn người khẩn trương chữa cháy. Vậy mà ngày 4.3, Tổng cục phó phụ trách Lâm nghiệp của Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn phát biểu với báo chí:  “Lào Cai chưa đề nghị Tổng cục hỗ trợ dập cháy nên Tổng cục chưa có phương án hay hỗ trợ lực lượng dập cháy”. Nghe mà thấy nhức ruột. Cứ ngồi chờ báo cáo rồi xin chỉ thị thì cháy hết rừng. May sao, hôm sau đọc báo đã thấy ông Hà Công Tuấn có mặt tại Lào Cai chỉ đạo dập cháy. Đến chiều ngày 6.3 đám cháy căn bản được chặn đứng, ước tính hơn 80 ha rừng tái sinh bị cháy rụi.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng, mỗi năm Việt Nam mất  32.000 ha rừng, tức 320 km2, gần bằng ½ diện tích Singapore. Ước tính rừng hiện chiếm khoảng 40% diện tích Việt Nam (trước đây là 70%). Cứ cháy rừng kiểu này thì mấy chục năm nữa Việt Nam “hoàn thành chỉ tiêu” hết rừng trước thời hạn. Cũng theo ông Dũng, trong số 32.000 ha rừng bị mất chỉ có 7% do chặt phá trái phép, còn lại là do cháy rừng, do quản lý yếu kém (?). Hơn 70% vụ cháy là do sự bất cẩn của con người. Để phục hồi rừng cháy phải mất vài chục năm. Nhìn hình ảnh hơn 3.000 người, đủ thành phần, tay không dũng cảm chữa cháy rừng Hoàng Liên mà xót xa. Phải chờ khi gió lặng, sương nhiều mới tranh thủ dập. Đó là mới chỉ cháy rừng chồi, rừng tái sinh. Nếu cháy rừng nguyên sinh thì kiểu dập cháy rừng của người Việt Nam đành chịu thua.

Chả lẽ cứ lặng nhìn “lá phổi của đất nước” ngày càng teo tóp. Mỗi năm mất 32.000 ha rừng, làm sao trồng lại cho kịp và cho đủ? Tại sao Chính phủ không tập trung đầu tư máy bay chữa cháy như các nước Malaysia, Thái Lan đã làm? Hoặc dùng máy bay quân đội để chữa cháy? Các doanh nghiệp còn mua máy bay cá nhân được mà! Hãy bớt các lễ hội phô trương lại, dành tiền trang bị phương tiện chữa cháy. Cháy rừng là hiểm họa quốc gia, do vậy cần phải được tổ chức đồng bộ, phối hợp chặt chẽ và kịp thời. Từ việc tuyên truyền, biện pháp chế tài đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng, để việc phòng - chống và chữa cháy được hiệu quả.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.