Chưa kể học sinh (HS) mới lớp 6, lớp 7 vẫn phóng xe điện vèo vèo, không nón bảo hiểm, chở ba…
TÌM CÁCH GỬI XE BÊN NGOÀI
"Tôi mới bị mấy đứa nhỏ nó đụng, vỡ đèn, xước xát hết một bên xe. Mình đi đúng thế này, tụi nhỏ đi xe máy điện từ đâu đâm tới rầm một cái. Mấy đứa đi với tốc độ khiếp như thế, may là người mình không bị làm sao", nguyên lời một ông bố đi đón con trước cổng Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) kể với các phụ huynh khác trưa 5.4, khi PV Báo Thanh Niên có mặt. Theo luật, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.
Trưa 5.4, ngoài cổng bãi gửi xe Trường THPT Nguyễn Khuyến (đường Thành Thái, Q.10) có dán thông báo "Bắt đầu từ ngày 5.4.2024 bãi xe không nhận giữ xe máy của những HS đi xe không đúng quy định và chưa có giấy phép lái xe".
Song, trước cổng bãi xe của Trung tâm Thể dục thể thao Q.10 (đường Thành Thái), trưa cùng ngày, chúng tôi chụp được hình ảnh nhiều HS mang đồng phục các trường THCS, THPT lân cận gửi xe đạp điện, xe máy điện, xe máy trên 50 cm3 tại đây và tan học thì chạy xe ra bình thường.
Cũng trong trưa 5.4, theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại tuyến đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), nhiều HS Trường THPT Thanh Đa trong giờ tan trường điều khiển xe máy trên 50 cm3, nhiều em không mang nón bảo hiểm hoặc chở kẹp ba trên xe điện, đi ngược chiều…
TUYÊN TRUYỀN HẰNG NĂM NHƯNG ĐỀU PHỚT LỜ
Thời gian này, các quận huyện, TP.Thủ Đức (TP.HCM) tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến luật, cho HS ký cam kết không vi phạm luật giao thông, phụ huynh không được giao xe cho con em…
Như trong ngày 3.4, một trường THPT tại Q.5 gửi thông báo tới phụ huynh: "Nghiêm cấm HS đi xe máy không đúng quy định, chỉ đi đúng phân khối được cho phép theo độ tuổi. Nhà trường tuyệt đối không giữ xe cho HS trong trường hợp HS đi xe không đúng quy định. Có hình thức xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện HS đi xe không đúng quy định (bao gồm giữ xe trong khu vực dân cư lân cận trường học)…".
Cũng trong ngày 3.4, Phòng GD-ĐT Q.7 (TP.HCM) có văn bản đề nghị các trường mầm non, tiểu học, THCS chủ động phối hợp công an quận tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; cho HS ký cam kết không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền phụ huynh không giao xe cho con em không đủ điều kiện tham gia giao thông…
Thế nhưng, không ít HS và cả người lớn vẫn phớt lờ. Sáng 6.4, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa, nói năm học nào nhà trường cũng mời công an quận về tuyên truyền, nhắc nhở HS, cho HS, phụ huynh ký cam kết tuân thủ luật an toàn giao thông. "Ngay trong sáng 5.4, chúng tôi đã yêu cầu chủ bãi giữ xe trong trường (đơn vị đấu thầu từ bên ngoài - PV) ký cam kết là không giữ xe máy của HS chưa đủ tuổi và không có bằng lái, họ đã ký rồi. Trên cơ sở thỏa thuận này, nhà trường sẽ phối hợp với Công an Q.Bình Thạnh để có các bước xử lý tiếp theo. Cái khó là nhà trường không giữ xe máy rồi, mà phụ huynh vẫn giao xe cho HS, các em ra ngoài chung cư, ra trung tâm thương mại để gửi thì cũng rất khó", thầy Hân nói.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa, hiện nay nhà trường đang thực hiện cao điểm về chấp hành luật an toàn giao thông theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên trong sáng thứ hai (8.4) trường sẽ tiếp tục phối hợp với Công an quận tuyên truyền, phổ biến luật cho HS; cho HS, phụ huynh ký cam kết tuân thủ luật, phụ huynh không được giao xe máy trên 50 cc cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái. "Đầu năm chúng tôi đã cho phụ huynh ký cam kết rồi, giờ cao điểm nên sẽ tiếp tục ký cam kết tiếp", thầy Hân khẳng định.
Thầy Hân cũng cho biết: "Từ trước đến nay HS nào của trường vi phạm luật an toàn giao thông, bị cảnh sát giao thông xử phạt, gửi biên bản về, nhà trường đều có căn cứ để phối hợp kỷ luật, xem xét đánh giá hạnh kiểm của các em, chắc chắn các em này không được hạnh kiểm mức tốt, khá rồi".
AN TOÀN GIAO THÔNG LÀ SINH MẠNG CON NGƯỜI
Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh cho rằng con họ đã 16, 17 tuổi nhưng cao 1,7 m hay 1,8 m, "không lẽ không điều khiển được xe trên 50 cc".
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên về vấn đề này, tiến sĩ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: "An toàn giao thông là vấn đề cả nước quan tâm, bởi nó là sinh mạng của con người, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, sự hạnh phúc của từng gia đình, nên đây là vấn đề rất quan trọng, không thể coi thường được. Khi mình coi an toàn giao thông là quan trọng thì cách giải quyết căn bản nhất là chấp hành luật giao thông. Một đất nước văn minh, dân tộc văn minh thì công dân phải chấp hành luật pháp. Còn những chuyện khó khăn, mỗi người có khó khăn này, có khó khăn kia, mỗi người hãy biết vận động nhau để tuân thủ luật pháp, có ý thức xây dựng xã hội văn minh, an toàn, mang lại hạnh phúc cho đời sống của con người".
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục, khẳng định: "Đã làm cha mẹ ai cũng thương yêu con, muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con, nhưng yêu thương con không phải là chiều theo ý con, mua cho con một chiếc xe máy đẹp, đắt tiền khi con chưa đủ tuổi và chưa có bằng lái xe theo đúng quy định của pháp luật. Như thế rất có thể con không kiểm soát được tốc độ, chưa biết cách điều khiển xe an toàn, là đùa giỡn với lưỡi hái tử thần".
Theo báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông đối với HS diễn ra ngày 2.11.2023 thì từ ngày 15.12.2022 - 14.10.2023, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến HS (độ tuổi 6 - 18) là 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc), làm chết 490 người. Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, HS dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông, làm chết 378 người, bị thương 658 người. Đáng chú ý, theo dữ liệu phân tích 737 vụ do thiếu niên, HS dưới 18 tuổi là người đi bộ, người điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông nói trên, về phương tiện điều khiển liên quan trong vụ tai nạn giao thông: xe mô tô từ 50 - 175 cm3 chiếm tới 71,31%.
Tuyệt đối không giao xe cho HS không đủ tuổi
Đại diện Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) cho biết từ đầu năm học đến nay, các đội/trạm thuộc phòng đã có nhiều buổi tuyên truyền luật Giao thông đường bộ tại trường học. Các tổ tuần tra kiểm soát của CSGT cũng chủ động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm với HS chưa đủ tuổi điều khiển xe máy vào trước và sau giờ tan trường.
Từ ngày 1.9.2023 đến nay, lực lượng CSGT TP.HCM đã lập biên bản 652 trường hợp HS, sinh viên vi phạm luật Giao thông đường bộ. Trong đó, lỗi vi phạm chủ yếu với HS là điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi. Đồng thời, CSGT lập biên bản xử phạt phụ huynh của những HS này vì hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định. CSGT TP.HCM khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không giao xe cho HS không đủ tuổi, chưa đủ điều kiện lái xe máy. HS cũng cần tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Theo Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 2.000.000 đồng nếu giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Vũ Phượng
Bình luận (0)