Nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về tòa soạn Báo Thanh Niên phía dưới bài viết 'Tràn ngập học sinh lái xe máy trên 50 phân khối ở TP.HCM' đăng chiều 5.4.2024. Trong đó nhiều ý kiến ủng hộ cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ, phạt thật nặng học sinh lái xe máy trên 50 cm3 (hay còn gọi 50 cc) như phạt nồng độ cồn thì ai cũng sợ vì thực tế hiện nay nhiều học sinh lái xe máy trên 50 cc rất nguy hiểm ngoài đường, nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra do học sinh điều khiển xe không đúng luật quy định.
"Nhìn tụi nhỏ chạy xe mà nổi da gà"
Bạn đọc N3T cho rằng nên mở lớp dạy an toàn giao thông trong nhà trường, nêu những tai nạn, tình huống nguy hiểm thường xảy ra khi tham gia giao thông cho các học sinh biết luật và biết xử trí khi tham gia giao thông.
Học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy bỏ chạy khi thấy CSGT dừng xe kiểm tra
"Ngoài xe máy trên 50 cc các em học sinh lái xe máy điện vù vù chở đôi, chở 3, rồi có những trẻ cỡ cấp 1, cấp 2 cha mẹ còn cho chạy xe máy điện, đạp điện nữa, ra đường nhìn tụi nhỏ chạy mà nổi da gà luôn ấy. Xin xử lý mạnh tay để trả lại cho giao thông đường phố được an toàn", bạn đọc N3T nói.
"Thế hệ tương lai của Việt Nam cần phải được giáo dục tuân thủ pháp luật", đó là ý kiến của phụ huynh TAN VINH HUYNH.
Còn độc giả Trường Trịnh đề xuất: "Nên ra quy định bắt buộc học sinh THPT đi xe đạp đến trường . Vừa có ý thức bảo vệ môi trường. Vừa rèn luyện sức khỏe . Vừa rẻ lại giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội".
Vấn đề không phải ở cái xe!
Đó là ý kiến của phụ huynh Tranminh Thi. Rõ ràng lỗi không phải ở cái xe đạp hay xe máy trên 50 phân khối hay xe đạp điện, xe máy điện, mà là người lớn - phụ huynh học sinh đã giao chiếc xe chưa phù hợp độ tuổi cho con em mình đang là học sinh, và các em học sinh điều khiển xe đó để đến trường.
Bạn đọc Su Nguyen nói: "Tôi nghĩ cần cho học sinh học luật giao thông, hướng dẫn cụ thể các tình huống an toàn giao thông và cấp giấy chứng nhận mới được lái xe máy - xe điện (dưới 50 cc), xe đạp điện. Thực tế ở Q.Tân Phú học sinh đi xe máy trên 50 cc rất nhiều, có cả học sinh tiểu học đã được cha mẹ giao cho xe đạp điện - xe máy điện rồi chạy loạn xị theo bản năng, rất nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Vấn đề cấp bách nhất là cần quy định độ tuổi sử dụng loại xe gì, học luật giao thông và cấp giấy chứng nhận mới được sử dụng xe phù hợp".
Bạn đọc có tên tài khoản NCTn đề xuất phương án: "Ngoài lực lượng giao thông đột xuất xử phạt tạm giam xe thì trường học cũng mạnh tay giáo dục phê bình hạ điểm mấy em nào cố tình nhiều lần. Thử xem có cải thiện được tình hình hay không. Nhất là công an giao thông thỉnh thoảng bất ngờ kiểm tra trước sau giờ học, làm thử một thời gian bảo đảm gan bằng trời cũng phải "nhợn", cha mẹ học sinh không lẽ không đau bụng khi bị giam xe sao?".
Cũng đề xuất xử lý mạnh tay học sinh lái xe máy trên 50 phân khối, lái xe điện khi chưa đủ tuổi, bạn đọc tên Phúc viết: "Cần tuyên truyền thấy học sinh chạy xe mà vi phạm luật thì chụp ảnh gửi đến trường hoặc cảnh sát giao thông xử phạt nguội, gửi biên bản đến phụ huynh đóng tiền, vì đụng đến hầu bao tiền là sợ thôi, cũng như phạt nồng độ cồn giờ thì ai cũng sợ hết".
Hay bạn đọc buuquoc69 đề xuất một giải pháp để phụ huynh không dám giao xe máy trên 50 phân khối cho con chạy khi con chưa có bằng lái xe và chưa đủ tuổi là: "Phạt thật nặng như phạt vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ xe 23 tháng, nhà trường lập biên bản hạ bậc hạnh kiểm".
Nhà trường có thể dạy luật giao thông, lấy bằng lái xe cho các em đủ tuổi được không?
Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi như vậy. Phụ huynh Mai Nguyễn chia sẻ: "Tôi kiến nghị mở nút thắt này bằng cách cho trẻ học lái xe ngay tại trường, vừa phổ biến luật vừa phổ cập kiến thức an toàn giao thông, các quy định bắt buộc khi tham gia giao thông".
Tương tự như vậy, bạn đọc "hồng anh trần" cho rằng: "Nên giáo dục tại trường và cấp bằng cho các em đủ tuổi theo luật".
Luật giao thông đường bộ quy định như thế nào? Theo quy định tại điều 60 luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.
Theo điều 58, người lái xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Như vậy, học sinh dù ở cấp học nào nhưng chưa đủ 18 tuổi thì không được phép lái xe máy có dung tích xi lanh trên 50 cm3. Nếu cha mẹ/chủ phương tiện giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe, thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
'Con tôi 16, 17 tuổi nhưng đã cao lớn 1,7 m, 1,8 m, tại sao không lái xe trên 50 cc được?'
Nhiều ý kiến gửi về tòa soạn Báo Thanh Niên thắc mắc như vậy. Bạn đọc Tu Linh nói: "Các nhà làm luật có cần xem lại không? Luật ra có phù hợp và lãng phí không? Xe dưới 50 cc chỉ sử dụng được 2 năm nhưng lại buộc tất cả mọi người phải mua cho con đi học. Nếu nói về khả năng điều khiển xe thì ở tuổi này nhiều bạn cao 1,7 m; 1,8 m thì khả năng điều khiển xe 100 cc là chuyện đơn giản, hơn nữa đường sá ở thành phố không thể nào các bạn học sinh có thể chạy được tốc độ 30- 40km/h. Vậy thì xe 50 cc và xe 100 cc có gì khác biệt? Còn chuyện để ngăn cản chạy quá tốc độ thì nên nhắm đến những người đua xe, còn học sinh thì thời gian nghỉ ngơi còn không có lấy đâu thời gian tụ tập?".
Phản biện lại vấn đề này, trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, nói: "Đừng vì sự tiện lợi của mình, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình mà người lớn mua xe và giao xe cho con mình khi các con chưa đáp ứng được quy định của pháp luật về tham gia giao thông. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con mình, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Trong những tình huống xấu, nếu không may học sinh gây ra tai nạn chết người thì phụ huynh còn có thể bị khởi tố hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự về tội 'giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ', bên cạnh việc còn phải bồi thường trách nhiệm về dân sự cho nạn nhân".
Bình luận (0)