Chỉ từ cuối tháng 11.2021 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã phát hiện, xử lý hơn 10 vụ vận chuyển pháo nổ trái phép với số lượng hơn 600 kg. Không chỉ bắt giữ tại khu vực giáp biên, mà cả các huyện, thị xã, TP trong nội địa khi các đối tượng trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.
Pháo nổ tang vật được Công an TX.Phước Long (Bình Phước) phát hiện, bắt giữ ngày 3.1.2022 |
HOÀNG GIÁP |
Hòng “qua mặt” lực lượng chức năng, các đối tượng ngụy trang thành những “shipper” giao hàng, dùng đủ loại phương tiện lên khu vực giáp biên giới để vận chuyển, mua bán pháo nổ.
Các chuyên gia khuyến cáo, pháo nổ chứa nhiều chất độc hóa học và có sức công phá rất lớn. Khi nổ rất dễ bị tổn thương nặng như: đứt ngón tay, mù mắt, điếc, bỏng, thậm chí giập nát và gãy xương… Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), trong đêm giao thừa đến rạng sáng 12.2.2021 (mùng 1 tết), khoa cấp cứu bệnh viện này đã tiếp nhận liên tiếp 4 bệnh nhân bị tai nạn hư mắt, nát tay... do pháo nổ.
Bất chấp những hiểm họa đó, vì tò mò, thích thể hiện mà nhiều người, đặc biệt là các thanh, thiếu niên vẫn cố tình mua về sử dụng. Nhu cầu chơi pháo càng nhiều khi dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến gần, dù nhiều người biết đây là mặt hàng cấm. Chính vì yếu tố cầu của người dùng gia tăng, vì lợi nhuận cao nếu vận chuyển “trót lọt” và tiêu thụ, các đối tượng từ nhiều tỉnh, TP bất chấp hiểm họa đối với người sử dụng, sự trừng phạt của pháp luật vẫn vận chuyển, buôn bán pháo nổ.
Ngoài việc lực lượng công an, biên phòng cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa trong việc tuần tra, mật phục phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán vận chuyển và sử dụng pháo nổ, mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cũng cần phải nói không với hàng cấm, pháo nổ. Bởi hậu quả để lại không chỉ là những di chứng, thương tật vĩnh viễn trên cơ thể nạn nhân do pháo nổ gây ra mà còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Bình luận (0)