Hiến kế để TP.HCM hết ngập

08/06/2022 05:40 GMT+7

Phản hồi về bài viết Bao giờ TP.HCM hết ngập? trên Thanh Niên , không chỉ các chuyên gia mà rất nhiều bạn đọc đã 'hiến kế' để TP.HCM hết ngập. Vậy bạn đọc đề xuất gì?

Bài báo nêu trên dẫn báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng gửi UBND TP.HCM cho biết theo Ðề án chống ngập và xử lý nước thải TP giai đoạn 2020 - 2045 cùng kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030, trong năm 2022 có nhiều dự án cải thiện môi trường nước, cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải được khởi công... Tuy nhiên, phát sinh lớn nhất hiện nay là “nguồn vốn”.

Nước “cuốn trôi” hàng tỉ USD chống ngập nhưng TP.HCM ngập vẫn hoàn ngập

NHẬT THỊNH

Một số chuyên gia được Thanh Niên phỏng vấn đã chỉ ra rằng tình trạng ngập nước lâu năm tại TP.HCM do lỗi quy hoạch thiếu tầm nhìn, phát triển chỉ nghĩ lợi ích trước mắt mà không tính toán được hệ lụy lâu dài… Thực trạng này khiến dù loay hoay suốt 2 thập kỷ, để nước “cuốn trôi” hàng tỉ USD nhưng TP.HCM vẫn chưa tìm ra lời giải cho câu hỏi bao giờ hết ngập.

Xem kênh rạch, cống thoát nước như “mao mạch”, “động mạch”

Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho biết đã và đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM nhiều năm qua, chứng kiến và cả “chịu trận” tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn, triều cường. Từ “kinh nghiệm” thực tế này, họ đã đưa ra những ý kiến, kiến nghị rất đáng lưu tâm.

BĐ L.N.T.Đ viết: “Từ thời Pháp thuộc, họ đã cho vét kênh để thoát nước, lấy đất đắp cao TP, hệ thống cống dùng để thông nước ra kênh; kênh thì dẫn nước ra sông. Tại sao họ không dùng toàn hệ thống cống mà phải đào kênh? Thứ nhất kênh rộng hơn cống, khi mưa to kênh có thể dẫn nước tràn cả trên mặt, lúc này kênh có thể “nở” được trên bề mặt để tải nước, còn cống thì “chết”, không thể nở ra khi mưa to được (phải đợi chảy hết trong cống, mới thoát tiếp được).

Thứ hai, bề mặt kênh luôn thông thoáng, là điều kiện để dẫn gió từ ngoài sông biển vào, làm mát TP, khu dân cư (hệ điều hòa tự nhiên), giảm nhiệt vào mùa nắng, tạo hơi ẩm cần thiết vào mùa độ ẩm không khí thấp. Tóm lại, có thể hiểu rằng cống như những “mao mạch” nối các khu dân cư nhỏ ra kênh; còn kênh xem như “động mạch” dẫn nước nhanh đổ ra sông ra biển.

Thứ ba, cần tính toán đến tỷ lệ dẫn nước khi vét kênh sao cho độ dài kênh từ trung tâm TP ra đến sông lớn càng xa thì độ rộng kênh phải tỷ lệ thuận theo (ở trung tâm thì nhỏ, càng ra sông, độ rộng phải càng lớn, bởi kênh càng dài thì tốc độ nước thoát càng chậm).

Còn hiện nay, có phải do giá đất quá cao nên các nhà đầu tư khi xây dựng khu dân cư thì chỉ lo đắp nền, đặt cống để có nhiều mặt bằng hơn khi kinh doanh, dễ thu lợi nhuận? Kiến nghị các cơ quan chức năng cần đưa tiêu chí kênh, rạch vào các khu dân cư, để chống ngập cho các khu trung tâm”.

“TP muốn hết ngập thì phải làm đồng bộ tất cả giải pháp từ ngăn triều, ngăn xả lũ thượng nguồn, thoát nước nhanh, cống to, hồ dự trữ, mặt đường chuẩn không võng...”, BĐ A.K.O nhấn mạnh.

Truy trách nhiệm cá nhân, tổ chức

Không những đưa ra các đề xuất về giải pháp kỹ thuật trong việc chống ngập nước tại TP.HCM, nhiều BĐ cũng đưa ra một số ý kiến về quản lý. “Nếu dự án thực hiện trong 10 năm, khi bầu lãnh đạo - những người có thẩm quyền trong việc quy hoạch, phê duyệt các công trình chống ngập, thoát nước - nên ưu tiên cho những người có khả năng làm trong 10 năm (2 nhiệm kỳ) và hứa với dân trước khi nhận chức; cứ 2 năm 1 lần kiểm tra tiến độ; 5 năm thanh tra tiến độ… Nếu vẫn còn “tư duy nhiệm kỳ”, thì khi người lãnh đạo, có chức trách không còn làm ở vị trí đó nữa, dự án không hoàn thành, không biết quy trách nhiệm cho ai, lẽ nào “huề cả làng”?”, BĐ Lê Thủ viết.

Sau cơn mưa lớn ở TP.HCM, chợ ngập nước kinh hoàng

Đồng quan điểm, BĐ F.N. kiến nghị: “Muốn chống ngập, trước mắt cần làm xong và đưa vào sử dụng các đập ngăn triều cường. Tiếp đến, phải quy trách nhiệm rõ ràng đối với những người chịu trách nhiệm chống ngập. Nếu xảy ra sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án chống ngập, cần làm rõ nguyên nhân do đâu? Chủ đầu tư hay nhà thầu?...”.

“Có một nguyên nhân ngập là chính người dân vứt rác đầy miệng cống. Các hộ kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường còn lấy tấm đan, tấm bạt... lấp kín miệng cống để tránh mùi. Như vậy nước thoát đi bằng đường nào”, BĐ Đặng Trí Bùi nêu thực trạng và đề xuất cần có biện pháp chế tài những thật nặng những trường hợp này.

* Mỗi lần trời mưa, có nhiều chỗ ngập nửa mét, nhưng con kênh và sông cách đó một hai trăm mét vẫn cạn queo. Đó là do cống bị nghẹt rác. Cần khơi thông hệ thống cống trước mùa mưa.

Nguyễn Văn Đông

* Mặt đường bê tông hóa hết, nước chỉ thoát thông qua miệng cống. Khi nước dâng ngập miệng cống thì trong lòng cống biến thành “bình kín”, nước khó chảy vào được nên nước không thể thoát nhanh. Có thể nghiên cứu lắp những ống thông hơi để bảo đảm không xảy ra hiện tượng này.

V.R

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.