Hiến kế để Việt Nam thành 'thiên đường làm phim'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
08/07/2024 07:30 GMT+7

Các chuyên gia hàng đầu thế giới về điện ảnh đã chia sẻ cởi mở, thẳng thắn nhằm đưa ngành làm phim của VN vượt qua rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh trên toàn cầu.

THỦ TỤC PHẢI MINH BẠCH

Trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 (DANAFF 2) vừa kết thúc tối 6.7, hội thảo "Hợp tác sản xuất phim: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển" do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN (VFDA) tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến giá trị cho phát triển ngành công nghiệp điện ảnh từ các chuyên gia.

Hiến kế để Việt Nam thành 'thiên đường làm phim'- Ảnh 1.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đóng góp ý kiến xây dựng ngành điện ảnh VN

HOÀNG SƠN

Sau khi một bộ phim chiếu tại Trung Quốc, ngành du lịch Thái Lan đã đón đến gần 1 triệu du khách Trung Quốc. Họ coi Thái Lan là điểm đến du lịch. Hãy tin tôi, VN cần phải tiến nhanh hơn nữa.

Ông Sirisak Koshpharashin (đại diện Liên đoàn quốc gia của các hiệp hội làm phim Thái Lan)

Ông Jared Dougherty, Phó chủ tịch - Giám đốc phụ trách Chính sách công và đối ngoại của Sony Pictures Entertainment khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết việc xin giấy phép làm phim, truyền hình trực tiếp ở Mỹ rất thuận lợi bởi Mỹ mong muốn thu hút việc sản xuất phim. "Nhiều đất nước muốn khuyến khích làm phim để quảng bá đất nước của họ nên có nhiều chính sách thu hút quay phim, tạo điều kiện bằng việc đưa ra thủ tục minh bạch", ông Jared Dougherty nói.

Theo ông, trước hay sau ống kính, chính quyền đều làm việc với đoàn phim một cách minh bạch. "Chúng tôi thấy được những lợi ích khi các đoàn phim đến với địa phương. Ở Úc, họ có những chính sách giảm chi phí đoàn làm phim vì muốn lan truyền sức mạnh mềm của họ, quảng bá cảnh đẹp… Khách du lịch đến Sydney có ấn tượng tích cực sẽ chia sẻ và tiếp tục thu hút du khách. VN muốn quảng bá hình ảnh mình qua các bộ phim thì phải có chính sách thu hút đoàn phim", ông Dougherty nhận định.

Hiến kế để Việt Nam thành 'thiên đường làm phim'- Ảnh 2.

Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan đóng góp ý kiến tại hội thảo

HOÀNG SƠN

Ông Đào Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng nếu xác định điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa thì phải đầu tư xây dựng và phát triển. Phú Yên đã hoàn thành Bộ Chỉ số hấp dẫn quay phim và thấy trách nhiệm của mình. Bộ Chỉ số hấp dẫn quay phim (PAI) do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN xây dựng và triển khai. PAI sẽ đánh giá sự quan tâm của các tỉnh thành trong việc đón đoàn làm phim, từ đó nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương theo 5 tiêu chí: hỗ trợ tài chính, thông tin, thực địa, thủ tục pháp lý và hạ tầng sẵn có.

"Chúng ta muốn mọi người đến với mình thì phải làm gì để đón người ta. Điện ảnh là quảng bá, giới thiệu thì phải có trách nhiệm với họ. Nhưng tiếc là dù nhiều địa phương muốn làm nhưng chưa có cơ chế. Trong thời gian tới, các địa phương nên xây dựng cơ chế trong thẩm quyền tạo điều kiện về thủ tục, tài chính để các nhà sản xuất yên tâm sản xuất. Bộ phim ra đời có các ngành chức năng bên cạnh", ông Đào Mỹ góp ý.

Nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan cho rằng không chỉ hỗ trợ bằng tiền mà việc tạo điều kiện cũng rất cần thiết. Ông kể lại chuyện từng được Phú Yên hỗ trợ tận tình: quay cảnh mưa, được cảnh sát hỗ trợ xe cứu hỏa phun nước; được ngành chức năng cho mượn miễn phí và cấp giấy thông hành cho xe đò kiểu cũ… Từ đó, đoàn phim đã tiết kiệm nhiều chi phí.

CẦN NHỮNG CƠ CHẾ ƯU ĐÃI

Bàn về những cơ chế ưu đãi để Thái Lan trở thành "thiên đường làm phim", ông Sirisak Koshpharashin, đại diện Liên đoàn quốc gia của các hiệp hội làm phim Thái Lan, đã khiến hội thảo trở nên sôi nổi khi đề cập việc hoàn thuế cho các đoàn phim. Theo ông, điều các nhà làm phim nước ngoài tìm kiếm là chính sách hoàn tiền, chính sách hoàn thuế và các ưu đãi khác.

Ông Sirisak Koshpharashin thông tin thêm: Thái Lan giảm tối thiểu 15% nếu đoàn làm phim chi 50 triệu baht để làm phim. Tùy theo những mức độ khác nhau mà các bạn có thể được hỗ trợ thêm từ 2 - 5%. Nếu quay phim những nơi ủng hộ về văn hóa, quyền lực mềm của Thái thì sẽ hỗ trợ thêm 5%, tổng cộng đến 20%. Nếu các đoàn phim làm tại một số vị trí đặc biệt tại Thái Lan, có thể được hoàn lại 50% chi phí. Từ năm 2017 - 2023, Thái Lan đã hoàn thuế cho 49 dự án. Từ đầu năm 2024 đến nay, Thái Lan có 214 dự án phim được hoàn thuế với 95 triệu USD.

Cơ sở hạ tầng và quay phim hiện đại, đội ngũ chuyên nghiệp là điểm hấp dẫn khác của Thái Lan. Các đoàn phim khi đến Thái luôn cần nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Khách sạn 5 sao của Thái Lan rẻ chỉ bằng khách sạn 2 sao ở Mỹ, nên Thái Lan trở thành điểm đến của nhiều đoàn làm phim trên thế giới.

Hiến kế để Việt Nam thành 'thiên đường làm phim'- Ảnh 3.

Cảnh trong phim Thái Lan Gia tài của ngoại, bộ phim đã giúp thu hút lượng lớn du khách nước ngoài đến Thái Lan

TƯ LIỆU

"VN có thể xem xét, học hỏi mô hình này. VN và Thái có nhiều điểm chung, giống nhau. Chính phủ cần hiểu và ủng hộ công nghiệp điện ảnh phát triển… Chính phủ có thể hoàn thuế nhưng giá trị nhận lại còn cao hơn. Sau khi một bộ phim chiếu tại Trung Quốc, ngành du lịch Thái Lan đã đón đến gần 1 triệu du khách Trung Quốc. Họ coi Thái Lan là điểm đến du lịch. Hãy tin tôi, VN cần phải tiến nhanh hơn nữa", ông Sirisak Koshpharashin gợi ý.

Bà Winnie Tsang, người sáng lập và giám đốc điều hành của Công ty Điện ảnh Golden Scene, nhà sản xuất và phát hành phim Hồng Kông, chia sẻ: Từ những năm 1930, Hồng Kông đã đầu tư chương trình đào tạo đạo diễn. Đến nay, 24 đạo diễn được hỗ trợ với giá trị 3,5 triệu USD. Hồng Kông có những chính sách kêu gọi đạo diễn thành công, được giải quốc gia, quốc tế… đến làm phim và chính quyền tài trợ cho dự án, với nguồn quỹ hợp tác làm phim lên tới 8 triệu USD.

"Chúng tôi mở rộng đến châu Âu. Bất kỳ đạo diễn VN nào muốn hợp tác thì chúng tôi sẽ giới thiệu nhà sản xuất, chương trình phù hợp với các bạn", bà Winnie Tsang nói.

Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá kinh nghiệm phát triển ngành điện ảnh ở Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc… là rất hay. Theo ông Vinh, đầu tiên phải nhận thức phim ảnh có lợi ích vượt trên lợi ích thông thường và mang giá trị quảng bá cho VN. "Cũng như câu chuyện về du lịch hay VN tham gia các hiệp định thương mại tự do, 1 năm chưa thấy nhưng 10 năm sẽ thấy rõ lợi ích. Tư duy đổi mới của VN được áp dụng sẽ phát triển công nghiệp điện ảnh", ông Vinh nhận định.

Bà Lý Phương Dung, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết hiện Bộ VH-TT-DL cũng như Chính phủ đã tuyên truyền và có hành động thiết thực. Các nhà làm phim cần nắm rõ, cụ thể các chính sách về điện ảnh. Hiện Cục Điện ảnh có chiến dịch tuyên truyền chính sách đối với những người hoạt động điện ảnh.

"Chúng tôi có Cổng dịch vụ công mà các tổ chức nước ngoài có thể tiếp cận được. Các thủ tục hành chính đã đơn giản, nhưng đúng là chúng tôi cần có sự đồng bộ hơn nữa, từ chính sách đến thực tế. Chính sách hoàn thuế, ưu đãi còn bất cập nên chưa triển khai được. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách sao cho đồng thuận với các nền điện ảnh trong khu vực, giúp hỗ trợ tốt hơn cho những nhà làm phim nước ngoài đến VN", Phó cục trưởng Lý Phương Dung nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.