Ngày 15.5, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với đề án "Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới".
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại diện đến từ Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Hiệp hội Đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các chủ hãng tàu trong và ngoài nước, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về cảng biển…
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng nước sâu hàng đầu của cả nước, gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương xuất nhập khẩu của khu vực miền Nam, đã được xác định là cụm cảng đặc biệt trong quy hoạch cảng biển quốc gia. Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ rất cụ thể, đó là hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Đây sẽ là mô hình khu thương mại tự do gắn với cảng biển đầu tiên của Việt Nam để khai thác lợi thế của các cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải cũng như lợi thế của vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các dịch vụ hậu cần cảng, dịch vụ logistics, các dịch vụ giá trị gia tăng cũng như các khu công nghiệp, khu cảng cạn phía sau lưng cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề như cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, mô hình, chính sách khu thương mại tự do gắn với cảng biển, các giải pháp để thu hút hãng tàu, thu hút chân hàng, phát triển hệ sinh thái dịch vụ logistics, các giải pháp hiện đại hóa, công nghệ hóa trong quản lý, khai thác và phát triển bền vững, xanh hóa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Ông Mai Ngọc Thuận, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết cùng với việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 TP.HCM, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và khu thương mại tự do gắn với cảng biển sẽ là động lực phát triển của cả vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới, thúc đẩy Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, giúp vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm logistics thuộc nhóm hàng đầu khu vực và thế giới vào năm 2050.
Bình luận (0)