Những dự án dừng thi công có cơ hội về đích

05/12/2024 06:20 GMT+7

Trong số các dự án tồn đọng, dừng thi công gây lãng phí, thất thoát mà Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chỉ đạo giải quyết dứt điểm, có những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đang đứng ngay sát vạch đích nhưng mãi vẫn chưa thể tiến nốt bước cuối.

Xếp hàng chờ… đất

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản phân công Thường trực UBND TP theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng, chống lãng phí, thất thoát… Trong đó, người đứng đầu UBND TP tự nhận trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo giải quyết các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như: Dự án BT cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son); Dự án BT đầu tư xây dựng 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án BT xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2…

Những dự án dừng thi công có cơ hội về đích- Ảnh 1.

Dự án chống ngập do triều 10.000 tỉ đồng nằm trong số những dự án tồn đọng được chỉ đạo quyết liệt tập trung tháo gỡ

ẢNH: Trung Nam

Đây đều là những dự án đã rất "quen mặt", được điểm tên trong hầu hết những lần triển khai nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành giao thông TP nhiều năm qua. Đặc biệt, công trình cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son) gây bất ngờ vì đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gần 3 năm nhưng lại dẫn đầu danh sách các dự án tồn đọng. Liên hệ với Sở GTVT TP.HCM, đại diện cơ quan này cho biết hiện dự án vẫn chưa hoàn tất thủ tục thanh toán.

Cụ thể, theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) giữa TP.HCM và Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, công trình có tổng mức đầu tư 4.260 tỉ đồng. TP thanh toán cho nhà đầu tư 13,6 ha đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để triển khai dự án khác đồng thời với dự án BT. Tuy nhiên, do các dự án thực hiện theo hình thức BT sau đó bị vướng hành lang pháp lý nên TP vẫn chưa hoàn thiện bộ đơn giá thanh toán cho chủ đầu tư. Hiện nay, UBND TP đang giao Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì nghiên cứu xác định đơn giá dự toán, quy đổi cách tính và thời điểm giao đất. Ngoài ra, hạng mục chiếu sáng mỹ thuật cho cầu Ba Son do chủ đầu tư xây dựng cũng cần điều chỉnh, đã chốt phương án nhưng vẫn cần triển khai thiết kế. Sau khi doanh nghiệp (DN) trình lại, Sở GTVT sẽ sớm duyệt và cho triển khai thi công, muộn nhất tới 30.4.2025 có thể "sáng đèn" cầu Ba Son về đêm.

Tương tự, dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2 cũng đang chờ Sở TN-MT hoàn tất thủ tục thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT đã ký. Dự án được khởi công ngày 29.4.2017 với tổng vốn đầu tư gần 870 tỉ đồng, được chia làm 2 đoạn (đoạn 1 từ đường Mai Chí Thọ đến đường Đỗ Xuân Hợp dài gần 2,8 km và đoạn 2 từ đường D11 kéo dài đến đường Vành đai 2 dài khoảng 600 m), thời gian thực hiện trong vòng 2 năm. Sau nhiều vướng mắc, đoạn 1 cùng 2 cầu Bà Dạt, Mương Kênh đã được thông xe vào tháng 9.2023. Chỉ còn 600 m đoạn 2 chưa được triển khai xây dựng, phần lớn do vướng mặt bằng.

Cũng thuộc nhóm dự án BT chờ cơ chế thanh toán, đoạn 3 đường Vành đai 2 dài hơn 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP.Thủ Đức) có thời gian thực hiện từ 2015 - 2023 nhưng từ tháng 3.2020 phải ngưng thi công khi khối lượng đã đạt gần 44%, do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư… Sau hơn 5 năm ngưng trệ, công trường dự án hiện biến thành nơi sinh sôi của cỏ dại; máy móc, vật liệu xây dựng ngổn ngang, hoen gỉ; các cây cầu nằm trơ khung sắt, phía dưới trở thành nơi chăn bò của người dân. Phía DN thì "khóc ròng" vì thời gian thực hiện dự án kéo dài khiến lãi vay của phần vốn để thực hiện dự án phát sinh hơn 15 tỉ đồng mỗi tháng.

"Hiện nhà đầu tư đã thống nhất phương án tạm ứng tiền để tiếp tục triển khai thi công. Phần thủ tục pháp lý thì đang được Sở KH-ĐT tham mưu cho lãnh đạo UBND TP, đồng thời xin hướng dẫn của Bộ KH-ĐT để điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh hợp đồng… Nói chung phần pháp lý không ảnh hưởng tới tiến độ thi công, quan trọng nhất là dự án vẫn còn vướng mặt bằng phía TP.Thủ Đức. Dự án BT đầu tư xây dựng 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng vậy, vẫn chờ địa phương giao mặt bằng. Sở đã nhiều lần đôn đốc, báo cáo UBND TP, lãnh đạo TP cũng quan tâm, chỉ đạo nhưng phía Thủ Đức đến nay vẫn chưa chốt được thời điểm giao mặt bằng. Về cơ bản, phần thi công rất nhanh, chỉ cần có mặt bằng thì trong năm 2025 các đơn vị sẽ xây dựng hoàn thiện hết các tuyến đường nêu trên", đại diện Sở GTVT TP thông tin.

Siêu dự án chống ngập vẫn mịt mờ ngày về đích

Bên cạnh các tuyến đường dang dở, siêu dự án chống ngập do triều 10.000 tỉ đồng cũng được đích thân Chủ tịch UBND TP nhận trách nhiệm xử lý, đôn đốc. Sau hơn 8 năm từ ngày khởi công, dù hoàn thành 93% khối lượng thi công đã gần 4 năm nhưng công trình vẫn chưa biết khi nào có thể đưa vào sử dụng. Nhiều hạng mục giờ đã bắt đầu xuống cấp, cỏ cây bủa vây. Một số cống ngăn triều đã hoàn thiện gần 100% nên cũng không còn bóng dáng công nhân làm việc trên công trường. Không ai có thể tưởng tượng đây là một trong những dự án trọng điểm, đã từng được kỳ vọng sẽ đưa TP.HCM thoát cảnh ngập lụt mỗi khi vào mùa mưa.

Những dự án dừng thi công có cơ hội về đích- Ảnh 2.

Một thập niên trôi qua, 4 tuyến đường chính được xem như “xương sống” của Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn dang dở, chưa được kết nối liền mạch

ẢNH: Nhật Thịnh

Ông Đỗ Quang Hưng (Trưởng phòng Hợp tác công tư, thuộc Sở KH-ĐT) cho biết Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ ngành, T.Ư về dự án. Trong quá trình điều chỉnh tổng thể dự án sẽ có nội dung quan trọng là đàm phán lãi vay, tính mốc thời gian, con số cụ thể sẽ được xác lập trong quá trình đàm phán 3 bên giữa UBND TP.HCM, nhà đầu tư và Ngân hàng BIDV. Sắp tới, TP.HCM sẽ phối hợp với nhà đầu tư ưu tiên hoàn thành hạng mục cống Bến Nghé để thể hiện quyết tâm của nhà đầu tư.

TS Võ Kim Cương (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM) đánh giá những dự án đang chậm trễ nêu trên đều là nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện. Một công trình chậm trễ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy tiêu cực: giao thông ùn tắc, đô thị nhếch nhác, càng để lâu càng đội vốn. Đặc biệt, đối với các dự án lớn, DN phải đổ rất nhiều vốn, vay ngân hàng, chậm ngày nào DN khốn đốn ngày đó. Tình trạng công trường ngổn ngang, dở dang khắp TP sẽ khiến các DN dần e ngại, khiến TP đánh mất cơ hội kêu gọi vốn đầu tư cho hạ tầng của địa phương trong tương lai. Do đó, lãnh đạo TP đã nêu chủ trương quyết liệt thì phải hành động quyết liệt. Quy định, thủ tục bất cập ở đâu thì giải quyết ở đó, cấp này không được thì nhanh chóng chuyển lên cấp cao hơn. Có như vậy mới giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước, xã hội.

Không để chậm tiến độ thành "thương hiệu" của giao thông

Người lãnh đạo hứa mốc thời gian thì phải có cơ sở, đề ra kế hoạch rõ ràng để thực hiện lời hứa. Nếu không làm được thì phải có chế tài quy trách nhiệm rõ ràng. Không thể để chậm tiến độ, đội vốn trở thành "thương hiệu" của các dự án giao thông như hiện nay được.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.