Ngày 14.9, mất tới 7 tiếng đồng hồ, nhóm PV Báo Thanh Niên mới di chuyển được quãng đường hơn 14 km từ trung tâm H.Bắc Hà vào tới hiện trường vụ sạt lở tại thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc). Nhưng cũng chỉ 4 - 5 km đầu có thể đi lại khó khăn bằng xe máy, gần chục km sau chỉ có thể chật vật đi bộ do hàng km đường bị xói lở nghiêm trọng, bùn đất nhão sâu đến tận bắp chân.
Tại hiện trường, hàng trăm người gồm lực lượng chức năng và tình nguyện viên vẫn đang dốc sức để tìm kiếm người mất tích trong đống đổ nát. Do thôn Nậm Tông vẫn bị chia cắt nên hầu hết công tác cứu hộ cứu nạn đều được thực hiện thủ công.
Sạt lở thảm khốc ở Nậm Tông (Lào Cai): Nỗi đau nữ trưởng trạm băng rừng cứu người
Có mặt ở hiện trường ngay sau khi nhận được tin vụ sạt lở nghiêm trọng, thượng tá Nguyễn Đức Cường, Phó trưởng công an H.Bắc Hà (Lào Cai), vẫn ám ảnh cảm giác bàng hoàng, đau xót.
"Việc tiếp cận hiện trường sạt lở khi đó rất khó khăn, mưa rất lớn, chúng tôi phải đi xuồng đến gần chân đồi, rồi đi bộ thêm 8 km để lên đồi. Đường sá bị cắt đứt do sạt lở, sóng điện thoại không có, đến chiều 14.9 tại hiện trường tìm kiếm vẫn chưa có sóng điện thoại", ông Cường chia sẻ.
Thượng tá Cường chia sẻ, việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do lượng đất đá sạt lở xuống rất nhiều. Lần đầu tiên trong nhiều năm cứu hộ, ông chứng kiến vụ sạt lở kinh hoàng đến thế, cả quả đồi sạt xuống tạo làn sóng đất, đẩy các ngôi nhà ra xa cả 1 km. Đất bùn, đá dày đến 3 - 4 m, đào bới rất khó khăn trong công tác tìm kiếm.
Tính đến chiều qua, lực lượng cứu hộ với hơn 150 người cả công an, quân đội, cảnh sát cơ động, đội tìm kiếm cứu nạn tự nguyện và cả người dân bằng tay, cuốc xẻng đã tìm được 10 trong số 18 người mất tích. Nhờ đường sá được khắc phục dần, phương pháp tìm kiếm đã được thay đổi, đội cứu hộ sử dụng máy bơm xối trôi nước để dễ tìm kiếm hơn. Trong 1 - 2 ngày tới, khi máy xúc của huyện, tỉnh vào được hiện trường sẽ cố gắng tìm nhanh nhất thi thể để gia đình mai táng.
Còn theo ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà, toàn huyện có 34 người mất tích, đến thời điểm này đã tìm được 21 người. Chưa lần nào huyện chịu thiệt hại nặng nề như cơn bão số 3, khi 1/2 số xã và 30% số thôn bị cô lập hoàn toàn. Sạt lở cũng diễn ra trên diện rộng với hàng loạt vụ sạt lớn, nhỏ trên địa bàn huyện.
"Trận mưa lớn sau bão số 3 tiếp nối của nhiều trận mưa trước đó. Lào Cai và Bắc Hà nói riêng từ đầu năm tới nay có rất nhiều trận mưa lớn liên tiếp. Khi cơn bão số 3 đến, nhiều chỗ đã ngậm no nước bị ảnh hưởng, do địa hình địa chất dốc cao, nhiều nơi đất pha cát nhiều, là nguyên nhân gây sạt lở rất lớn", ông Hòa cho hay.
Những đồ vật còn sót lại sau trận sạt lở đất
ẢNH: ĐÌNH HUY
Mặt đỏ hăng, chiến sĩ cảnh sát cơ động phải làm mát bằng cách đổ nước vào mặt để tiếp tục công việc
ẢNH: ĐÌNH HUY
Bình luận (0)