Cửa ngõ đưa hàng Việt vươn rộng khắp thế giới
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, sau 7 năm với 12 phiên đàm phán, ngày 2.4 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương, và ông Nir Barka, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và công nghiệp Israel, thay mặt Chính phủ hai nước ký tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA).
Dự kiến trong năm nay, hai nước sẽ ký VIFTA để chào mừng 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, VIFTA sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu rất lớn đối với hàng hóa Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC), cho rằng VIFTA mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho doanh nghiệp hai nước. Trong đó, nhóm hàng nông sản Việt Nam không chỉ có cơ hội lớn tại thị trường Israel mà còn mở ra sự hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
"Israel là cửa ngõ vào UAE. UAE là cửa ngõ đi ra toàn cầu. Đến và chạm vào UAE đồng nghĩa với nông sản hàng hóa của Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới. Các nhà buôn lớn đều đến UAE, Dubai, đến các chương trình lớn như Gulfood, Expo để giao thương, nhập lượng hàng hóa lớn về đất nước của họ. Bên cạnh đó, thị trường Israel có tiêu chuẩn không quá khắt khe như Mỹ, EU… VIFTA được ký kết sẽ là cơ hội đưa hàng hóa, nông sản của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Israel nói riêng và Trung Đông nói chung", bà Hằng nói.
Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thống kê cho thấy, Israel nằm trong top 22/100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu gồm có: tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra… Trong đó, năm 2022, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD. Israel đứng thứ 4/10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, sau Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Cũng theo ông Hòe, ở Israel, hàng thủy sản của Việt Nam đã có chỗ đứng ổn định, được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng. VIFTA được ký kết sẽ theo lộ trình như các hiệp định thương mại tự do khác, thuế dần giảm về 0% và đây là lợi thế cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam so với các nước chưa ký hiệp định thương mại tự do với Israel.
Chú trọng chào hàng nhóm sản phẩm chế biến
Theo ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel, dung lượng thị trường Israel khiêm tốn với quy mô dân số gần 9,7 triệu người nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương khá phát triển. Năm 2022, thu nhập đầu người đạt gần 55.000 USD; kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 67 tỉ USD và nhập khẩu đạt 106 tỉ USD.
Bên cạnh đó, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel không ngừng tăng nhanh từ 1,58 tỉ USD (năm 2020) lên 1,89 tỉ USD (năm 2021) và đạt 2,23 tỉ USD trong năm 2022, tăng 17,85% so với năm trước đó.
Israel đang là đối tác thương mại lớn thứ 5, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở Đông Nam Á.
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính chất bổ sung cho nhau. Những mặt hàng Israel cần nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam và ngược lại.
Hàng năm, Israel có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ở trong nước, chủ yếu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, hàng đầu tư, nhiên liệu xăng dầu, kim cương thô...
Trong nhóm hàng tiêu dùng, mỗi năm Israel chi 25 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa, gồm: lương thực thực phẩm, đồ uống các loại, quần áo, giày dép, nội thất, hàng điện tử, thiết bị điện, hàng gia dụng, dược phẩm…
Cũng theo ông Hòa, dù dung lượng thị trường này khiêm tốn nhưng lại có nhu cầu nhập khẩu khá lớn, vòng quay tiêu dùng ở Israel nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm.
Ngoài ra, do tập quán và thói quen tiêu dùng, doanh nghiệp Israel có nhu cầu rất lớn nhập khẩu hàng hóa thành phẩm đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng. Sản phẩm chế biến nhập khẩu đưa vào kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay sau khi mua hàng.
Ông Hòa cho rằng, để khai thác tốt thị trường cũng như lợi thế của hiệp định thương mại tự do với Israel, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng chào hàng các loại sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, trả lời nhanh chóng giao dịch của khách hàng Israel, tuân thủ yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định nhập khẩu của nước này mới ban hành.
Bình luận (0)