Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), vừa có văn bản gửi Công ty TNHH Grab để trao đổi về những thông tin mà hiệp hội này đã nêu trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải mới đây, liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và tình hình hoạt động của Grab.
Trong văn bản này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc đưa ra nhận định “Grab ngày càng “phớt lờ” các quy định của Bộ Giao thông vận tải tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT như tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, thành phố lên 15 tỉnh, thành phố; thực hiện quyền cơ bản của người kinh doanh vận tải như quyết định giá cước, chính sách khuyến mãi… chứ không phải chỉ làm dịch vụ kết nối giữa nhà vận tải với hành khách” được căn cứ vào các thông tin, báo cáo do các Hiệp hội Vận tải ô tô, Hiệp hội taxi nhiều tỉnh, thành phố có phản ánh và gửi kiến nghị về VATA.
“Việc TAND TPHCM nhận định Grab thực hiện sai Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải đã được chỉ rõ trong bản án số 1910/2018/KDTM-ST ngày 28.12.2018. Nội dung này cũng được các hiệp hội vận tải ô tô địa phương, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và nhiều chuyên gia về quản lý vận tải rất đồng tình”, văn bản nêu rõ.
Đặc biệt, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc Grab không thực hiện công văn hỏa tốc của Bộ Giao thông vận tải số 4752/BGTVT-VT (yêu cầu Grab dừng ngay thực hiện dịch vụ GrabShare) và tiếp đó là công văn lần hai số 6781/BGTVT-VT ngày 22.6.2017 yêu cầu Grab không áp dụng dịch vụ đi chung xe (GrabShare), nhưng đến ngày 29.12.2017, tại văn bản 14732/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về tổng kết 2 năm thực hiện Đề án 24 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải vẫn khẳng định chương trình GrabShare không nằm trong “đề án 24”, đã yêu cầu “Grab” dừng nhưng “Grab” không dừng.
“Việc Grab kinh doanh trên địa bàn các tỉnh không nằm trong danh mục được phép thí điểm thì theo thông tin do các hiệp hội vận tải tại địa phương cung cấp hiện đã lên tới trên 15 tỉnh như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Lâm Đồng, Quy Nhơn, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh,… Những thông tin, căn cứ nói trên, đủ chứng minh cho các nhận định của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam”, văn bản của Hiệp hội Vận tải Việt Nam nêu rõ.
Từ những nội dung nêu trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định các ý kiến của mình nêu ra trong văn bản số 18/HHVT-TV ngày 4.3.2019 gửi các bộ ngành, Văn phòng Chính phủ là có cơ sở, và không cần đính chính theo yêu cầu của phía Grab.
Cũng văn bản này, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối hỗ trợ cho dịch vụ vận tải nhưng phải tạo ra sự công bằng; cạnh tranh, lành mạnh; thúc đẩy hoạt động kinh doanh vận tải phát triển theo hướng hiện đại; và mong rằng Grab chia sẻ quan điểm trên trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
Bình luận (0)