Hiệu quả mũi tiêm thứ ba của vắc xin AstraZeneca

Ngọc Minh Khuê
Ngọc Minh Khuê
30/06/2021 00:19 GMT+7

Các nhà nghiên cứu của ĐH Oxford (Anh) công bố nghiên cứu mới cho thấy mũi tiêm thứ ba của vắc xin AstraZeneca tạo ra phản ứng miễn dịch vô cùng mạnh mẽ.

Kết quả nghiên cứu đăng tải trên chuyên san SSRN chứng minh liều tiêm nhắc của loại vắc xin này làm tăng phản ứng miễn dịch của kháng thể và tế bào lympho T, tế bào giúp xác định cũng như tiêu diệt các tác nhân gây bệnh cho cơ thể.
Trước đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc xin AstraZeneca có hiệu quả cao hơn khi liều thứ hai được trì hoãn đến 12 tuần, thay vì 4 tuần như khuyến cáo của nhà sản xuất. Ở cuộc nghiên cứu lần này, các nhà khoa học lại phát hiện liều tiêm thứ hai khi bị trì hoãn đến 45 tuần có thể tạo ra mức độ kháng thể gần gấp 4 lần so với khi các liều được tiêm cách nhau 8 - 12 tuần, theo báo cáo của ĐH Oxford được đăng lại trên trang The Hindu ngày 28.6.

Vắc xin AstraZeneca tiêm 3 mũi, tiêm nhắc cách 10 tháng có hiệu quả ra sao?

Theo đó, nồng độ kháng thể vẫn tăng trong gần một năm và liều nhắc lại thứ ba của vắc xin (được tiêm cho một nhóm nhỏ những người tình nguyện) cũng làm tăng đáng kể mức kháng thể lên gấp đôi sau liều thứ hai.
Kết quả nghiên cứu giúp xoa dịu phần nào lo ngại rằng những loại vắc xin sử dụng công nghệ vector vi rút, như AstraZeneca và Johnson & Johnson, có thể mất hiệu lực nếu phải tiêm chủng hằng năm hoặc lo ngại về việc công nghệ này có nguy cơ tạo ra phản ứng miễn dịch với vi rút, thay vì chống lại Covid-19.
Phó giáo sư Teresa Lambe, tác giả nghiên cứu, khẳng định với Reuters: “Đã có một số băn khoăn rằng chúng tôi sẽ không thể sử dụng vắc xin này cho chế độ tiêm chủng tăng cường, nhưng dữ liệu hiện nay chắc chắn đã cho thấy điều ngược lại”.
Theo Reuters, chính phủ Anh đang xem xét kế hoạch tổ chức một chiến dịch tiêm tăng cường vắc xin Covid-19 các loại vào mùa thu dành cho 60% số công dân trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, Giáo sư Andrew Pollard, Giám đốc Nhóm nghiên cứu vắc xin của ĐH Oxford, nhận định có nhiều bằng chứng cho thấy vắc xin có khả năng bảo vệ chống lại các biến thể hiện tại trong một khoảng thời gian dài và việc tiêm nhắc lại là chưa thật sự cần thiết.
“Tại thời điểm này, với mức độ bảo vệ cao của vắc xin trong dân số Anh và không có bằng chứng nào cho thấy khả năng bảo vệ đó bị mất đi, việc tiêm liều thứ ba ở Anh trong khi các quốc gia khác không có đủ vắc xin là không thể chấp nhận được”, ông Andrew đánh giá.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu mang tên Com-CoV2 do ĐH Oxford dẫn đầu được công bố tuần trước trên chuyên san Y khoa Lancet cho thấy việc tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca và Pfizer/BioNTech giúp tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại protein IgG có khả năng gây đột biến cho vi rút SARS-CoV-2. Phương án tiêm kết hợp đã tạo ra nồng độ cao của kháng thể khi các liều được dùng cách nhau 4 tuần.
Đáng chú ý, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm liều đầu tiên là AstraZeneca và liều tiếp theo là Pfizer để tạo ra kháng thể và phản ứng tế bào T cao hơn so với thứ tự ngược lại.
Giáo sư Matthew Snape, chuyên nghiên cứu về Nhi khoa và Tiêm chủng tại ĐH Oxford, cho biết: “Nghiên cứu mở ra khả năng cho phép sự linh hoạt trong việc triển khai tiêm vắc xin ở Vương quốc Anh cũng như trên toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia còn thiếu nguồn cung”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.