Hiểu rõ hơn về việc 'chồng không được ly hôn dù vợ đang mang thai với ai'

16/06/2024 11:59 GMT+7

Vì sao chồng không được quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai, bất kể mang thai với ai? Quy định như vậy có thiệt thòi cho người chồng?

Như Thanh Niên đã đưa tin, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mới đây ban hành Nghị quyết số 01/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình. Nghị quyết này có hiệu lực từ 1.7.2024.

Một trong những nội dung tại nghị quyết nhận được nhiều quan tâm, đó là hướng dẫn về việc: "Chồng không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con.

Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai".

Hiểu rõ hơn về việc 'chồng không được ly hôn dù vợ đang mang thai với ai'- Ảnh 1.

Chồng không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con (Ảnh minh họa)

FREEPPIK


Quy định không mới

Quy định chồng không được quyền ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc sinh con dưới 12 tháng tuổi không phải là mới, đã được quy định từ lâu. Trong số này, luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 từng quy định tại điều 85 rằng, "trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn".

Do luật chỉ quy định về trường hợp "vợ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng", nên sẽ có những tình huống phát sinh. Chẳng hạn, nếu người vợ mang thai không phải với chồng thì chồng có được quyền yêu cầu ly hôn không?

Từ 1.7, chồng không được quyền ly hôn dù vợ đang mang thai với ai

Để giải đáp, năm 2000, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2000, hướng dẫn 2 cách xử lý đối với tình huống trên.

Thứ nhất, nếu chưa thụ lý vụ án thì tòa trả lại đơn kiện cho người nộp đơn. Thứ hai, nếu đã thụ lý vụ án, tòa giải thích cho người nộp đơn biết là họ chưa có quyền yêu cầu xin ly hôn, nếu vẫn không rút đơn thì tòa tiến hành giải quyết theo thủ tục chung và quyết định bác yêu cầu xin ly hôn.

Đến năm 2014, luật Hôn nhân và gia đình mới được ban hành, thay thế luật cũ năm 2000. Tại điều 51, luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tiếp tục quy định "chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".

Tuy nhiên, luật mới cũng không nêu rõ trường hợp vợ mang thai với người khác thì chồng có được quyền yêu cầu ly hôn hay không. Trong khi đó, Nghị quyết 02/2000 hướng dẫn áp dụng quy định tại luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã hết hiệu lực.

Đây là lý do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết 01/2024. Tại nghị quyết mới, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nêu rõ: trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

Như vậy, quy định về việc chồng không được quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai, bất kể mang thai với ai, tiếp tục được áp dụng như trước đây. Nếu muốn ly hôn, người chồng bắt buộc phải chờ hết thời gian theo quy định.

Chỉ hạn chế với chồng, vợ vẫn được quyền yêu cầu ly hôn?

Theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), với hướng dẫn tại nghị quyết có thể hiểu rằng dù người vợ vi phạm nghĩa vụ một vợ một chồng dẫn tới có thai với người đàn ông khác thì người chồng cũng không có quyền ly hôn trong khoảng thời gian người vợ đang mang thai, sinh con theo luật định.

Nhiều người cho rằng quy định như vậy khá "lạ lùng", nhưng theo luật sư, việc này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Giai đoạn đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, cả người mẹ và đứa trẻ đều rất dễ bị tác động tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, trong đó có việc ly hôn. Vì thế, quy định tại luật và hướng dẫn tại nghị quyết hướng tới hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Một số ý kiến thắc mắc nếu người vợ ngoại tình và mang thai với người khác mà người chồng không thể ly hôn, như vậy có phải quá thiệt thòi với người chồng?

Luật sư Tâm nhắc lại mục đích của quy định trên nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Hơn thế, quy định chỉ điều chỉnh trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi sinh con, sau thời điểm này, người chồng hoàn toàn có quyền yêu cầu ly hôn.

Cũng có ý kiến băn khoăn rằng, trường hợp vợ mang thai với người không phải chồng mình tức là tình cảm đã không còn. Nếu chồng không được quyền ly hôn, cứ khiên cưỡng sống với nhau sẽ càng đau khổ hơn?

Theo luật sư Tâm, luật chỉ quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng chứ không hạn chế với người vợ. Tức là trong khoảng thời gian trên, nếu người vợ muốn ly hôn thì họ hoàn toàn có quyền đề nghị, tòa án không được quyền từ chối mà phải thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.