Himalaya căng thẳng vì nước ngọt

16/08/2012 03:05 GMT+7

Trung Quốc đang khát nước thật sự và không ngại ngần gây căng thẳng với các nước trong khu vực để phục vụ lợi ích của mình.

Dân số thế giới đã cán mốc 7 tỉ người vào cuối tháng 10.2011. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của chừng ấy con người, nguồn nước sạch trên hành tinh xanh đang bị khai thác cạn kiệt. Rất nhiều chuyên gia về địa chính trị nhận định nước ngọt sẽ trở thành một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa các nước trong thế kỷ 21.

Đường nào cũng khát

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc cần lượng nước khổng lồ để đáp ứng nhu cầu phát triển nông - công nghiệp. Chiếm đến 20% dân số thế giới nhưng nước này chỉ có 7% lượng nước ngọt toàn cầu, theo trang tin Diploweb. Một khó khăn khác của Trung Quốc là sự phân bố nước ngọt tự nhiên không đồng đều. Phần lớn ao suối, sông hồ đều tập trung ở phía nam trong khi miền bắc chỉ chiếm 15% trữ lượng nước ngọt dù có đến 45% dân số tập trung tại đây. Nhiều vùng ở miền bắc Trung Quốc có bình quân lượng nước sạch hằng năm dưới 500 m3/người, chỉ tương đương với các quốc gia khô hạn ở châu Phi như Algeria (478 m3) hay Djibouti (475 m3).

 Himalaya căng thẳng vì nước ngọt
Để giải quyết cơn khát, Trung Quốc đang có nhiều kế hoạch gây quan ngại - Ảnh: Reuters

Tình trạng thiếu nước sạch của Trung Quốc còn do nạn ô nhiễm môi trường đang lan tràn khắp nơi. Đợt kiểm tra chất lượng nguồn nước quy mô lớn vào năm 2005 ở 2.000 điểm thử cho thấy có 25.000 km sông ở nước này không đảm bảo chất lượng trung bình và 90% những nhánh sông ở gần các thành phố lớn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho tình trạng này: lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp, không xử lý hiệu quả nước thải công nghiệp…

Tờ Le Monde dẫn lời chuyên gia sinh thái học Dương Dung của Tổ chức Green Earth Volunteers cho biết tình trạng hạn hán nghiêm trọng những năm gần đây ở Trung Quốc, đặc biệt là những vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử, một phần do biến đổi khí hậu nhưng một phần quan trọng khác là do việc xây đập thủy điện hàng loạt ở thượng lưu. Chỉ riêng ở Đại Độ, một nhánh của sông Dương Tử, đã có đến 356 trung tâm thủy điện. Rất nhiều nhà máy thủy điện khác của sông này chảy qua các tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam khai thác mà không đảm bảo chu kỳ tự nhiên của sông. Bên cạnh đó, việc quản lý nguồn nước cũng không được phối hợp một cách hiệu quả do các công ty khai thác thường là đối thủ cạnh tranh và chỉ muốn đạt lợi nhuận tối đa.

Phù phép ở thượng nguồn

 

Các nhà khoa học dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 47% cư dân trái đất sống ở khu vực khô hạn. Ở khu vực nông thôn của những nước kém phát triển, 97% người dân không biết nước máy là gì và 14% người dân uống nước thẳng từ sông, suối, hồ. Le Monde dẫn báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Anh cho hay châu Phi có lượng nước ngầm dự trữ cực kỳ lớn, khoảng 660.000 km3, gấp 100 lần nguồn nước lộ thiên. Do lượng nước nói trên hầu như vẫn chưa được khai thác nên sẽ là cơ hội đầu tư khai thác cho nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đang có rất nhiều ảnh hưởng tại châu lục này.

Để giải cơn khát nước ngọt, đặc biệt cho miền bắc, từ năm 2002, Trung Quốc bắt đầu thực hiện kế hoạch đầy tham vọng: xây các công trình chuyển dòng để dẫn nước từ miền nam lên miền bắc (PAESN). Hàng loạt công trình đang được xây dựng ở nước này, theo báo The New York Times. Trong số đó việc thay đổi dòng chảy các con sông từ thượng nguồn ở Tây Tạng đóng vai trò trọng tâm của PAESN. Đây cũng chính là nguyên nhân gây căng thẳng giữa các nước xung quanh dãy Himalaya, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Tây Tạng được xem là “tháp nước của châu Á” với lượng nước ngọt dự trữ đứng thứ 4 trên thế giới, chỉ xếp sau Iceland, New Zealand và Canada. Có 5 dòng sông dài từ 3.000 - 6.000 km của châu Á bắt nguồn từ cao nguyên này: Mê Kông, sông Ấn, Hoàng Hà, Dương Tử và Brahmaputra. Cùng với Brahmaputra và sông Ấn, phần lớn sông ngòi của Ấn Độ và Pakistan đều khởi nguồn từ đây. Chính vì vậy, Ấn Độ đang rất quan ngại với dự án PAESN của Trung Quốc, đặc biệt là dự tính chuyển dòng chảy một đoạn của Brahmapoutre ở cao nguyên Thanh Tạng về hướng những nhánh thường bị khô hạn của Dương Tử và Hoàng Hà.

Việc chuyển dòng sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến lưu lượng nước sông Brahmaputra của Ấn Độ. Trong khi đó, quốc gia này, với dân số đứng thứ 2 thế giới, cũng rất khát nước. Hồi cuối năm 2010, tranh cãi đang nổ ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau khi Bắc Kinh khởi công xây dựng một đập nước trên thượng nguồn sông Brahmaputra. Theo Hoàn Cầu thời báo, dự án thủy điện ở sông này được khởi công vào tháng 11.2010 với chi phí 1,2 tỉ USD, nhưng chưa rõ khi nào sẽ hoàn thành. New Delhi đang rất lo ngại việc đập trên có thể làm nước sông Brahmaputra chuyển dòng, giảm lưu lượng và ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái vùng hạ lưu cũng như cuộc sống của hàng triệu người ở Ấn Độ và Bangladesh.

Tờ Le Monde dẫn lời giới quan sát nhận định nếu Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên “phù phép” nguồn nước ở Tây Tạng vì lợi ích riêng, nhiều khả năng sẽ làm bùng nổ căng thẳng ngoại giao ở khu vực Nam Á vì ngoài Ấn Độ, còn có Pakistan, Bangladesh cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Thêm nhiều người chết do động đất ở Himalaya
>> Động đất ở vùng núi Himalaya
>> Chinh phục Himalaya bằng chân giả

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.