Hình sự hóa khiến gái mại dâm bị lạm dụng, kỳ thị

22/09/2016 19:08 GMT+7

Phi hình sự hóa mại dâm có thể ngăn chặn hoạt động này và tạo môi trường an toàn hơn để bảo vệ nhân quyền và sức khỏe của những người tham gia hoạt động mua bán dâm.

Đây là ý kiến của các chuyên gia quốc tế tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand do Bộ LĐ-TB-XH và với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức ngày 22.9.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH ông Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, mại dâm tại Việt Nam được coi là một hành vi không được chấp nhận, vi phạm đến truyền thống đạo đức văn hóa của dân tộc. Mặc dù đã đưa ra rất nhiều giải pháp, song đây là vấn đề khó giải quyết, tình hình hoạt động mại dâm ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp.
Thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, tính đến hết tháng 8, cả nước có thêm 28.677 cơ sở kinh doanh dịch vụ, nâng tổng số cơ sở này lên 126.000 cơ sở, với gần 100.000 nữ nhân viên làm việc, có nguy cơ cao hoạt động mại dâm. Hiện cả nước còn 711 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đồng Nai, TP.HCM…
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, Bà Jan Logie, đại biểu Quốc hội Đảng Xanh, New Zealand cho hay, trước năm 2003, tại New Zealand mại dâm là bất hợp pháp, khiến nhiều người hoạt động bị kỳ thị. Những người bán dâm, chủ chứa là đối tượng có thể bị bắt giữ. “Việc hình sự hóa mại dâm khiến người hành nghề bị lạm dụng, bóc lột, kỳ thị, không thể tìm đến cảnh sát, y tế khi bị lạm dụng thân thể. Nhiều khi còn bị tống tiền, bởi người chủ nhiều quyền lực kiểm soát, họ khó có thể chối từ khi bị cưỡng bức. Điều này khiến cho nữ mại dâm rất khó bỏ nghề”, bà Jan Logie nói.
Năm 2003, khi đạo luật Cải cách mại dâm được Quốc hội New Zeland thông qua, trong đó xóa bỏ sự trừng phạt đối với các hành vi mua, bán dâm. Tuy nhiên, các hành vi chứa chấp hoặc tổ chức quản lý cơ sở mại dâm hoặc sống dựa vào thu nhập từ mại dâm của người khác là hành bị xử lý hình sự.
TS Annette Nesdale, chuyên gia y tế của New Zealand cho hay: “Việc New Zealand áp dụng phi hình sự hóa khiến mại dâm không những không bùng nổ, giảm 46% bệnh truyền nhiễm”.
Theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UPPA tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam đã có những sửa đổi về luật Hành chính, bỏ quy định đưa người hành nghề mại dâm vào trại tập trung. Tuy nhiên, mại dâm vẫn là vấn đề được hình sự hóa ở Việt Nam, khiến cho người hoạt động gặp nhiều rủi ro, như bị lạm dụng, dễ bị tổn thương. “Việc phi hình sự hóa mại dâm nghĩa là bỏ đi quy định của luật pháp, tiếp cận hiệu quả nhất để bảo vệ quyền con người của đối tượng hành nghề này. Bên cạnh đó, người hoạt động mại dâm còn được  hỗ trợ dịch vụ y tế bảo vệ sức khỏe”, bà Astrid Bant nhấn mạnh.
Trước câu hỏi liệu Việt Nam có phi hình sự hóa mại dâm hay không? Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho hay: “New zealand không công nhận nghề mại dâm nhưng vẫn có chế tài bảo vệ, giúp đỡ người hoạt động mại dâm, phòng chống tội phạm mại dâm. Việc này cần phải nghiên cứu thêm từ kinh nghiệm của các nước, bởi muốn thực hiện điều này cần phải có bằng chứng. Quan trọng nhất, điều đó phải phù hợp với quan điểm, xã hội Việt Nam”.
Ông Đàm cho hay, năm 2016, Bộ LĐ-TB-XH đã thành lập ban nghiên cứu dự án luật Phòng chống mại dâm. Các kinh nghiệm trao đổi, tư vấn từ các chuyên gia New zealand sẽ góp phần định hướng để đổi mới cách tiếp cận ở Việt Nam, vừa đảm bảo quyền công dân mà vẫn đạt được mục tiêu phát triển, quản lý, ứng xử với vấn đề mại dâm ở Việt Nam hiện nay".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.