Bìa 4 Buộc thả in hình tác giả, một ông già tóc bạc mỉm cười hiền với đuôi mắt chân chim cùng mấy dòng chú thích: “Phong Tâm tên thật Nguyễn Vân Long; sinh quán Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre. Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre. Tác phẩm đã xuất bản: Lá nắng (tập thơ) NXB Văn nghệ TP.HCM, 1976; Bến (tập thơ) NXB Văn hóa Văn nghệ, 2010…”.
Phần phụ lục ở cuối tập thơ có in ý kiến một số văn nhân về Phong Tâm. Nhà thơ Ý Nhi: “Đó là một tâm hồn nhạy cảm, nhân ái, dịu dàng. Với một tâm hồn như thế, thơ Phong Tâm đã đem lại cho người đọc niềm xao xuyến, nghĩ suy với những gì ông nghe thấy, nhìn thấy và cảm nhận được suốt chặng đường đời của ông”. Nhà thơ Kim Ba: “Phong Tâm là một người rất đam mê thơ, thể hiện ở việc ông chỉ chuyên tâm làm thơ (dạng trữ tình). Đặc biệt sự đam mê thơ của ông hết sức bền bỉ, cẩn trọng lao động nghệ thuật và đây là điều làm nên chất thơ ông”.
Là người cùng thời văn nghệ với nhà văn Sơn Nam, có lần đọc lại cuốn Lịch sử khẩn hoang miền Nam do Sơn Nam ký tặng mình, Phong Tâm đã viết bài thơ Hiu hiu nhớ người bạn già. Có những câu cảm động và gợi nhớ phong cách Sơn Nam: Hiu hiu buồn hiu hiu vui / Hiu hiu nhớ hiu hiu cười, hiu hiu / Nhớ người cười nhếch chân xiêu / Nước lên, bàn chuyện trời chiêu đãi mùa / Cái thâm, nửa thật nửa đùa / Nói riêng ta hiểu đủ vừa ta nghe / Nuốt mặn đắng, nhả chua lè / Ngậm nghe, mới tận… viên chè Sơn Nam / … Cám ơn người tặng sách chơi / Cho ta đọc rách trang đời liêu xiêu / Người đi hạt bụi đi theo / Nghiêng mình nhớ đất quê gieo hương rừng.
“Buộc” và “thả” của Phong Tâm, như là điều ám ảnh đời người. Có khi “thả” đứng một mình: Thả trời xuống biển thêm sâu / Thả em trắng bạc phơ màu tóc anh / Thả hoang sơ giữa tụi mình (Thả). Có khi “buộc thả” song hành: Buộc tình vào góc trăng quê / Thả chiêm bao xuống đường về tuổi thơ (Con của mẹ). Trăng lộ bóng tàn đêm chưa chưa kịp giấu / Em mỉm cười buông bắt thả chiều xanh (Buông bắt thả). Tay lơi tay lỏng sợi tình / Buộc hoàng hôn lặng thả bình minh trôi / … Siết quên lỏng nhớ tay mềm / Còn nghe tiếng rớt nổi chìm sau lưng (Buộc thả).
Và đúng như nhận xét của nhà thơ Kim Ba, “sự đam mê thơ của ông hết sức bền bỉ”; bài Xác thơ, một trong số ít bài thơ không vần của tập thơ này, tác giả Phong Tâm dường như muốn đi đến cùng của “kiếp người - kiếp thơ”: Nỗi ám ảnh / Nhấp nhứ / Về cái chết đến gần / Có không điều bất tử / Có không một thuật ngữ trần truồng / Lẩn quẩn ngoài thế giới tâm hồn / Những giọt lạnh / Rơi / Nhểu / Chưa kịp giãy giụa / Chưa kịp nhắm mắt / Chưa kịp ngừng thở / Một thi thể bên vũng buồn / Không chôn cất.
Huỳnh Kim
Bình luận (0)