HLV Kim Sang-sik dùng 'bài tủ' nào cho đội tuyển Việt Nam?

27/08/2024 17:12 GMT+7

Bên cạnh sàng lọc cầu thủ, mục tiêu của HLV Kim Sang-sik trong 4 tháng tới là xây dựng cho đội tuyển VN mảng miếng chiến thuật đặc trưng để cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Thái Lan, Indonesia tại AFF Cup 2024.

LỐI CHƠI ƯA THÍCH CỦA THẦY KIM 

Trước khi HLV Kim Sang-sik xuất hiện, đội tuyển VN đã trải qua 5 đời HLV trưởng trong tròn 10 năm qua. Trong đó, ngoại trừ HLV Mai Đức Chung với 2 trận ngồi ghế tạm quyền, các chiến lược gia còn lại đều có tối thiểu 1 năm huấn luyện. Dù thành công hay thất bại, không thể phủ nhận mỗi HLV đều có dấu ấn chiến thuật riêng biệt.

HLV Kim Sang-sik dùng 'bài tủ' nào cho đội tuyển Việt Nam?- Ảnh 1.

Đội tuyển VN được kỳ vọng sẽ có diện mạo mới và thành công

Ảnh: MINH TÚ

HLV Toshiya Miura là nhà cầm quân đầu tiên rất kiên quyết đối với khâu thể lực với cầu thủ VN, xây dựng lối chơi quyết liệt và cơ bắp. Ngược lại, HLV Hữu Thắng ưu tiên tấn công cởi mở và đẹp mắt hơn, nhưng lại thiếu tính tổ chức trong phòng ngự, tranh chấp và thể lực đều yếu. Kỷ luật chỉ thực sự được siết chặt khi HLV Park Hang-seo xuất hiện. Với sơ đồ 5 hậu vệ, nhà cầm quân người Hàn Quốc nâng phòng ngự lên thành nghệ thuật với đội tuyển VN, đồng thời xây dựng đấu pháp phản công chớp nhoáng, tận dụng khả năng chuyển đổi trạng thái nhanh và đa dạng của hàng công. Đến thời HLV Philippe Troussier, đội tuyển VN lại chơi kiểm soát, hướng tới áp đặt thế trận.

Lối chơi của một đội bóng sẽ tổng hòa từ hai yếu tố: năng lực cầu thủ, năng lực xây dựng chiến thuật của HLV. Nếu hai yếu tố ăn khớp với nhau, HLV trưởng sẽ thành công. Ngược lại, nếu HLV xây dựng lối chơi không phù hợp với chất lượng học trò thì khó tránh khỏi thất bại. HLV Hector Cuper của đội tuyển Syria khẳng định: "Không lối chơi nào là lỗi thời, quan trọng là lối chơi ấy có phù hợp với cầu thủ hay không".

Cuộc cách mạng chiến thuật bất thành của HLV Troussier đặt ra câu hỏi cho đội tuyển VN: nên trở về triết lý phòng ngự phản công thời HLV Park Hang-seo, hay tiếp tục những gì ông Troussier làm, đó là xây dựng lối chơi chủ động và áp đặt, nhưng theo cách hợp lý hơn. Bình luận viên Vũ Quang Huy khẳng định: "Nếu muốn tiến bộ, hay xa hơn là dự World Cup, đội tuyển VN không nên trở về lối cũ phòng ngự phản công, mà phải đá chủ động hơn". Tuy nhiên, khi còn huấn luyện CLB Jeonbuk Hyundai Motors, ông Kim Sang-sik theo chủ nghĩa an toàn và thực dụng. Trang K-League United phân tích: HLV Kim áp dụng lối chơi kiểm soát bóng an toàn cho Jeonbuk sau khi ghi bàn, thay vì tiếp tục tìm kiếm thêm bàn thắng. Quá nửa số chiến thắng ở mùa 2022 của thầy trò ông Kim chỉ có cách biệt 1 bàn. Dưới thời HLV người Hàn Quốc, Jeonbuk luôn đứng trong nhóm phòng ngự tốt nhất giải.

Bởi vậy, khi HLV Kim Sang-sik gọi lại nhiều nhân tố chủ chốt dưới thời ông Park Hang-seo, dễ hình dung ông Kim sẽ đi con đường giống người tiền nhiệm.

Tất tần tật về giải giao hữu bóng đá Việt Nam, Nga, Thái Lan: Mua vé ở đâu, giá bao nhiêu?

ĐI TÌM SỰ KHÁC BIỆT MÀ VẪN THÀNH CÔNG

Tuy nhiên, nhiều khả năng HLV Kim Sang-sik không sao chép công thức của ông Park, mà chọn cách kế thừa và nâng cấp. "Những HLV ngoại quốc luôn có cá tính mạnh. Họ sẽ không chọn cách lặp lại con đường người tiền nhiệm đã đi, mà muốn tạo nên dấu ấn của riêng mình", một cựu thành viên ban huấn luyện đội tuyển VN chia sẻ với Báo Thanh Niên.

HLV Kim Sang-sik dùng 'bài tủ' nào cho đội tuyển Việt Nam?- Ảnh 2.

HLV Kim Sang-sik dự khán tại sân Hàng Đẫy

Nhưng như đã đề cập, cần hài hòa giữa tham vọng tạo dấu ấn và thực tế chất lượng cầu thủ VN để xây dựng lối chơi vừa vặn. Đội tuyển VN đã thất bại cùng HLV Troussier bởi mặc tấm áo quá rộng, phải chơi kiểm soát, thiên về tấn công vốn đòi hỏi quá nhiều phẩm chất mà cầu thủ chưa thể đáp ứng. Đánh giá năng lực cầu thủ VN đến đâu để xây dựng triết lý phù hợp sẽ là nhiệm vụ khó khăn của HLV Kim Sang-sik trong những tháng tới.

Một chuyên gia bóng đá kỳ cựu chia sẻ với Báo Thanh Niên: "Đôi khi đội tuyển VN không nhất thiết phải chuyển hẳn sang tấn công, mà vẫn có thể ưu tiên phòng ngự chắc chắn, nhưng nên đẩy hàng thủ dâng cao thêm từ 10 - 15 m, hay tràn đội hình lên gây áp lực lớn hơn, có nhiều mảng miếng triển khai hơn". Đó là những gì đội tuyển VN đã chơi ở trận gặp Philippines và Iraq: vẫn ưu tiên phòng ngự, nhưng chủ động lựa chọn thời cơ tấn công. Hình ảnh các cầu thủ tràn lên áp sát quyết liệt để ngăn đối thủ triển khai bóng, phối hợp đập nhả ngẫu hứng cùng nhau có thể là đặc trưng lối chơi mà ông Kim sẽ xây dựng trong thời gian tới. "Điều quan trọng là cầu thủ phải có nền tảng thể lực và tâm lý tốt, biết điều tiết trận đấu, chọn thời điểm để bung sức, kiểm soát được nhịp chơi", chuyên gia nói trên phân tích thêm.

Hai trận đấu tới, đội tuyển VN sẽ gặp đối thủ vượt trội về tầm vóc và đẳng cấp (Nga) cùng đối thủ tấn công nhanh, nhuyễn (Thái Lan). Sự lì lợm trong phòng ngự và hào sảng trong tấn công mà ông Kim mong muốn sẽ được thử thách cực độ. 

ĐỘI U.22 VN CÓ HLV TẠM QUYỀN

Căn cứ đề xuất của HLV Kim Sang-sik, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đã bổ nhiệm trợ lý đội U.22 VN Đinh Hồng Vinh làm quyền HLV trưởng đội tuyển U.22 VN trong đợt tập trung chuẩn bị tham dự giải bóng đá giao hữu quốc tế CFA Team China 2024 (giải trùng với thời điểm đội tuyển VN hội quân dịp FIFA Days tháng 9.2024 và thi đấu giải bóng đá giao hữu quốc tế gặp đội Nga, Thái Lan).

Giải CFA Team China 2024 diễn ra từ ngày 2 - 10.9 tại TP.Changsha (Trung Quốc), với sự tham dự của 4 đội: U.22 Trung Quốc, U.22 VN, U.22 Uzbekistan và U.22 Malaysia.

Trung Ninh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.