Thất bại tại AFF Cup 2020 là bước lùi của tuyển Việt Nam. So với 3 năm trước, khi thầy trò HLV Park Hang-seo vô địch AFF Cup với 8 trận bất bại, màn trình diễn hôm nay ở Singapore cho thấy toàn đội có nhiều nhược điểm, phần lớn trong số đó đến ở hàng công.
Tiến Linh đã "nổ súng" ở vòng bảng AFF Cup |
AFP |
Tại AFF Cup 2020, tuyển Việt Nam ghi 9 bàn, nhưng 6 trong số đó là vào lưới Lào và Campuchia. 3 bàn còn lại được ghi trước Malaysia - đội bóng chỉ có 19 cầu thủ lành lặn và mất gần hết dàn cầu thủ nhập tịch.
3 trận còn lại gặp Indonesia và Thái Lan (2 lượt bán kết), tuyển Việt Nam không ghi bàn và trả giá vì hiệu suất yếu kém. Phòng ngự rất quan trọng, nhưng để chiến thắng, không thể không ghi bàn.
Vấn đề của tuyển Việt Nam trước tiên nằm ở phong độ các chân sút. HLV Lưu Ngọc Hùng phân tích: “Tiến Linh giải này chơi không tốt đã ảnh hưởng đến sức mạnh tấn công của tuyển Việt Nam. Đáng nói là ở đội tuyển Việt Nam chỉ có mình Tiến Linh chơi được vị trí tiền đạo cắm nên HLV Park Hang-seo gần như không còn lựa chọn nào khác”.
Văn Đức cần sắc bén hơn nữa |
AFP |
Tiến Linh ra sân 6 trận, nhưng chỉ ghi bàn 1 trận. Khác với vòng loại World Cup 2022, Tiến Linh gặp khó khăn khi phải xoay xở trước hàng thủ số đông và bị kèm rất chặt, nên không thể hiện được khả năng tì đè, cắt mặt và chạy chỗ sở trường.
Tuy nhiên, trách riêng Tiến Linh là không công bằng. Hãy nhìn cách Thái Lan và Indonesia giải quyết vấn đề tấn công thế nào. Khi chân sút chủ lực Teerasil Dangda không ghi bàn, Thái Lan vẫn có những ngòi nổ như Chanathip Songkrasin, Supachok Sarachat để chờ đợi. Tương tự, Indonesia nã 6 bàn vào lưới Singapore dù tiền đạo Erza Wallian bị phong tỏa bởi ông có Irfan Jaya hay Evan Dimas sắc sảo không kém.
Tiến Linh đã bất lực trước hàng thủ Thái Lan |
VFF |
Tại AFF Cup 2020, khi các ứng viên vô địch đã rất hiểu nhau, việc các tiền đạo bị kèm chặt là bình thường. Các HLV phải xây dựng nhiều phương án, đa dạng bài vở tấn công để các vị trí khác có cơ hội ghi bàn. Đó là điều các HLV Mano Polking và Shin Tae-yong đã làm rất tốt.
Trong khi đó, tuyển Việt Nam thiếu ý tưởng ở những trận quan trọng. Trước Indonesia, các cầu thủ chùn chân khi đối thủ đá rắn và phòng ngự số đông. Hiệp 1 ở trận lượt đi với Thái Lan, sự thận trọng khiến tuyển Việt Nam bị bóp nghẹt các pha phản công. Đến trận lượt về, HLV Park Hang-seo từ bỏ lối chơi trung lộ đang rất hiệu quả ở hiệp 1 để đá bóng dài trong hiệp 2, vốn không phù hợp với nhân sự trong tay.
Khó khăn trong khâu ghi bàn của tuyển Việt Nam đã đến từ nhiều nguyên do. Việc V-League bị hủy giữa chừng khiến nhiều cầu thủ không thể duy trì cảm giác bóng. Đơn cử, Quang Hải chỉ đá 9 trận ở đội Hà Nội trong năm 2021, bằng gần nửa con số 23 trận của Chanathip Songkrasin tại Consadole Sapporo.
Thi đấu ít ở CLB, còn ở đội tuyển, việc tuyển Việt Nam phải gồng mình phòng ngự ở vòng loại 3 World Cup khiến các cầu thủ tấn công ít có bóng để “thực chiến” những mảng miếng phối hợp. Nhưng bên cạnh yếu tố khách quan, có lẽ ông Park cũng cần điều chỉnh lại hệ thống tấn công. Việc nhà cầm quân người Hàn Quốc vét cạn hàng tiền đạo, nhưng vẫn phải đá bóng dài trước Thái Lan cho thấy dường như đội tuyển đã hết bài.
Thay vì trung thành với một nhóm 4 - 5 cầu thủ quen thuộc, HLV Park nên làm mới hàng công và mở rộng quỹ lựa chọn cầu thủ để đa dạng màu sắc cho vị trí vốn cần nhiều sự sáng tạo và cảm hứng, đồng thời tạo ra sức ép cạnh tranh để thúc đẩy nhóm cầu thủ cũ lấy lại phong độ.
Bình luận (0)