HLV Troussier có thức tỉnh vũ khí đáng sợ của U.22 Việt Nam?

20/04/2023 10:25 GMT+7

U.22 Việt Nam đã vô địch 2 kỳ SEA Games liền nhờ những miếng đánh bóng bổng, đây là vũ khí mà HLV Philippe Troussier có thể mài giũa cho học trò để giải quyết những trận đấu khó.

U.22 Việt Nam đã đăng quang 2 kỳ SEA Games gần nhất nhờ những chiến lược và triết lý thi đấu khác nhau. Nếu SEA Games 30 tại Philippines ghi dấu khả năng tấn công ấn tượng của thầy trò HLV Park Hang-seo (ghi 24 bàn sau 7 trận), SEA Games 31 năm ngoái là màn trình diễn của hệ thống phòng ngự khi U.22 Việt Nam lên ngôi vô địch mà không phải nhận một bàn thua nào trong cả giải.

Tuy nhiên, điểm chung trong hành trình vô địch ở 2 giải đấu này nằm ở chỗ, U.22 Việt Nam đã tận dụng rất tốt các tình huống bóng bổng để giải quyết những trận đấu khó. 11 trong số 24 bàn U.22 Việt Nam ghi được ở SEA Games 30 được ghi bằng những pha tấn công từ trên cao, trong đó có những bàn thắng "bằng vàng" như pha đánh đầu gỡ hòa của Thành Chung vào lưới U.22 Indonesia ở vòng bảng, hay tình huống bật cao ghi bàn của Văn Hậu cũng trước U.22 Indonesia tại chung kết.

HLV Troussier có thức tỉnh vũ khí đáng sợ của U.22 Việt Nam? - Ảnh 1.

U.22 Việt Nam tập luyện ở Bà Rịa - Vũng Tàu để chuẩn bị cho SEA Games 32

NGỌC LINH

Đến SEA Games 31, tỷ lệ ghi bàn bóng bổng của U.22 Việt Nam còn cao hơn, tăng từ 46% lên 50%. Các học trò của HLV Park Hang-seo ghi 4 bàn (trong tổng số 8 bàn) từ những quả tạt bổng hoặc đá phạt gián tiếp, trong đó có 2 bàn của Tiến Linh và Mạnh Dũng ở các trận bán kết và chung kết, giúp U.22 Việt Nam thắng kịch tính với cùng tỷ số 1-0.

Nói vậy để thấy, bóng bổng là vũ khí rất lợi hại để giải quyết những trận đấu khó khăn. Khác với bóng sệt, vốn đòi hỏi sự nhuần nhuyễn, ăn khớp trong lối chơi tập thể, bóng bổng đơn giản hơn dù hiển nhiên vẫn đòi hỏi những tố chất nhất định ở các cầu thủ. Một pha ghi bàn bóng bổng thành công là kết hợp của hai yếu tố: cầu thủ tạt bóng giỏi và cầu thủ ghi bàn có khả năng không chiến, đánh đầu tốt.

U.22 Việt Nam những lứa trước không thiếu những chân tạt giỏi (Hoàng Đức, Quang Hải, Hùng Dũng), cùng những cầu thủ giỏi ghi bàn bóng bổng nhờ thể hình và kỹ năng chọn vị trí tốt (Mạnh Dũng, Văn Hậu, Thành Chung).

HLV Troussier có thức tỉnh vũ khí đáng sợ của U.22 Việt Nam? - Ảnh 2.

Nhân Mạnh Dũng bật cao đánh đầu tung lưới U.22 Thái Lan ở chung kết SEA Games 31

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Lứa U.22 Việt Nam hiện tại của HLV Philippe Troussier cần khai thác tốt bóng bổng, nhất là khi lối chơi kiểm soát bóng cùng những bài phối hợp dựa nhiều vào bóng sệt chưa thực sự hiệu quả. Trong những buổi tập đã qua, các bài tập dàn đội hình, phối hợp nhóm để luân chuyển bóng sệt, hay phối hợp để thoát pressing trong cự ly hẹp được ông Troussier rèn rất kỹ lưỡng cho học trò.

Dù vậy, quá trình chuẩn bị cho giải đấu luôn có cả chiến lược và chiến thuật. Về chiến lược, nhà cầm quân người Pháp vẫn ưu tiên lối đá bóng ngắn, rèn cầu thủ kỹ năng chuyền bóng và di chuyển đồng bộ đội hình linh hoạt để kiểm soát trận đấu. Còn về chiến thuật, ông Troussier sẽ hướng tới những miếng đánh riêng biệt cho từng trận đấu, mà các bài tấn công bóng bổng có thể sẽ được vun vén trong những buổi tập cận kề chuẩn bị cho giải đấu.

Nhìn chung, lứa U.22 Việt Nam không có thể hình vượt trội như đàn anh. Ở Doha Cup 2023, đội bóng của ông Troussier liên tục thủng lưới bởi các pha bóng bổng trước Iraq và UAE, nhưng không có pha dàn xếp bóng bổng ấn tượng nào. Đây cũng là thước đo phần nào cho thấy toàn đội không dễ áp đảo đối thủ ở các tình huống trên cao như trước đây. Tuy nhiên, không mạnh về bóng bổng, không có nghĩa không thể dàn xếp một số pha đánh "tủ" để sử dụng trong những thế trận bế tắc.

HLV Troussier có thức tỉnh vũ khí đáng sợ của U.22 Việt Nam? - Ảnh 3.

Ông Troussier đang xây dựng mảng miếng chiến thuật cho U.22 Việt Nam

NGỌC LINH

U.22 Việt Nam đang có những chân tạt bóng như Văn Khang, Tuấn Tài. Trong đó, Văn Khang lĩnh trọng trách đá phạt cố định ở đội U.19 Việt Nam, và cầu thủ của CLB Viettel cũng đã có những đường chuyền bổng thành bàn. Tuấn Tài đã kiến tạo bàn duy nhất cho U.22 Việt Nam trong trận chung kết SEA Games 31 nhờ quả tạt rất dẻo ở cánh trái, chưa kể 2 đường chuyền thành bàn sau đó tại giải U.23 châu Á 2022. Trên tuyến tiền đạo, Văn Trường, Minh Tùng đều có thể hình lý tưởng, lối chơi trực diện và hiện đại để cụ thể hóa những quả tạt của đồng đội.

Vấn đề của U.22 Việt Nam hiện tại là kinh nghiệm thi đấu và độ lì lợm, cứng rắn để biến những ưu thế nhỏ nhất thành bàn thắng. Đây là khía cạnh lứa U.22 trước đây đã làm tốt. Để tiến xa tại SEA Games 32, HLV Troussier cần đa dạng chiến thuật và cùng học trò tạo ra nhiều giải pháp ghi bàn. Một quả tạt bóng chính xác đôi sẽ rút ngắn đường đến cầu môn đối thủ. Đánh thức được vũ khí lợi hại này, U.22 Việt Nam đủ sức làm nên chuyện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.