Trẻ hóa kiểu HLV Troussier
Bên cạnh triết lý mới mẻ, đề cao năng lực kiểm soát bóng và chủ động triển khai lối chơi được xây dựng cho đội tuyển Việt Nam, HLV Philippe Troussier còn để lại dấu ấn khác trong thời gian tại vị Đó là chiến lược trẻ hóa.
Trước đây khi HLV Park Hang-seo còn nắm quyền, đội tuyển Việt Nam cũng từng trẻ hóa, nhưng bằng phương pháp khác. Ông Park chỉ đôn cầu thủ trẻ lên đội một, nếu cầu thủ ấy thể hiện rất xuất sắc ở giải trẻ cũng như V-League. Còn nếu không, các tài năng trẻ sẽ được sử dụng đan xen với lứa trụ cột để đàn anh kèm cặp đàn em. Sau đó, cái tên nào đủ năng lực sẽ đá chính.
Những ứng viên nào sẽ thay thế HLV Philippe Troussier tại U.23 và đội tuyển Việt Nam?
Tuy nhiên, HLV Troussier trẻ hóa triệt để hơn. Những cầu thủ hợp triết lý của nhà cầm quân người Pháp đều hiển nhiên có vị trí, trong đó có Phan Tuấn Tài, Nguyễn Thái Sơn, Võ Minh Trọng, Nguyễn Đình Bắc. Số lượng cầu thủ U.23 luôn chiếm khoảng 30-40% lực lượng triệu tập, với ít nhất 3 cầu thủ đá chính mỗi trận.
Mục tiêu của ông thầy 69 tuổi là xây dựng đội ngũ kế cận. Mặt tích cực của việc trẻ hóa là nhiều gương mặt tiềm năng đã xuất hiện, như Minh Trọng, Đình Bắc hay đặc biệt là Thái Sơn - ngôi sao mới giành giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm. Dù vậy, việc giao trọng trách rất lớn cho lứa cầu thủ còn chưa vững vàng của ông Troussier đã khiến học trò bị "chín ép".
Hậu quả là sai lầm ngày càng nhiều hơn, nghiêm trọng hơn, khiến đội tuyển Việt Nam thua cả 3 trận Asian Cup và sắp xa rời giấc mơ World Cup.
Dấu hỏi
Vấn đề đặt ra là: HLV tiền nhiệm sẽ tiếp tục trẻ hóa như ông Troussier, hay bỏ dở kế hoạch này?
Trước tiên, HLV Troussier là người chịu trách nhiệm trong việc trao suất đá chính cho các cầu thủ trẻ. Chiến lược gia người Pháp cũng thừa nhận trong cuộc họp báo sau trận thua Indonesia, rằng "chọn ai thi đấu là quyền của tôi, tôi sẽ nhắm cầu thủ hợp với đấu pháp".
Vì sao thế hệ vàng của HLV Park Hang-seo dần nhạt nhòa ở đội tuyển Việt Nam?
Tuy nhiên, chiến lược trẻ hóa đội tuyển Việt Nam không phải của riêng ông Troussier, mà là thỏa thuận giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV người Pháp. Đó là lý do ông Troussier được giao quyền "vừa xay lúa, vừa bế em", huấn luyện cả đội tuyển quốc gia và U.23. Đồng thời, VFF cũng thành lập 2 đội tuyển U.23, giao cho HLV Troussier và Hoàng Anh Tuấn thay nhau quản lý.
"Với mục tiêu lọt vào vòng loại 3 World Cup 2026 và góp mặt ở World Cup 2030, VFF muốn xây dựng lứa cầu thủ trẻ đủ tốt. Để trong vài năm nữa, lứa cầu thủ này sẽ đạt độ chín khi góp mặt ở những giải đấu quan trọng. Dù vậy, trẻ hóa thế nào cũng cần có chiến lược cụ thể, rõ ràng, có lộ trình lớp lang, bài bản.
VFF cần trao đổi kỹ lưỡng với HLV trưởng đội tuyển quốc gia để hoạch định chiến lược. Chúng ta cần bao nhiêu cầu thủ cho mục tiêu World Cup? Để có từng ấy cầu thủ, chất lượng đào tạo ở các trung tâm, CLB cần nâng cấp thế nào? Cần trả lời những câu hỏi đó, còn HLV trưởng chỉ là phần ngọn", chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ.
Bình luận viên Vũ Quang Huy nêu quan điểm: "Trẻ hóa là rất tốt, khi nhiều trụ cột đã không còn ở đỉnh cao. Song, tôi vẫn ủng hộ phương án trẻ hóa từ từ, với liều lượng hợp lý, cần đan xen lứa cũ và lứa mới khéo léo để các cầu thủ trẻ vẫn có đất diễn, nhưng phải có đàn anh dẫn dắt, trở thành điểm tựa lúc khó khăn".
Đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục trẻ hóa dù ông Troussier không còn ở đây. Nhưng làm thế nào để không ảnh hưởng đến thành tích, điều đó phụ thuộc vào đẳng cấp của người kế nhiệm, cùng chiến lược mà VFF đặt ra.
Thăm dò ý kiến
HLV nội hay ngoại phù hợp dẫn dắt đội tuyển Việt Nam sau khi ông Troussier ra đi?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)