Tốt nghiệp sư phạm năm 1991, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy (quê TP.Đà Nẵng) bước vào hành trình cho nghiệp “đưa đò”. Ban đầu, cô được phân công về dạy học tại một ngôi trường làng ở Điện Bàn (Quảng Nam). Chuỗi ngày miệt mài, dâng hiến thanh xuân ở miền quê nghèo của cô giáo ngữ văn bắt đầu từ đó, và cũng thỏa lại niềm yêu thích nghề giáo từ nhỏ. “Hồi đó, thế hệ chúng tôi có nhiều con đường để chọn nghề và cũng rất khó thi đỗ đại học. Tôi và một người bạn nữa là những học sinh nữ đầu tiên của làng đỗ đại học”, cô Thủy nhớ lại ngày thi vào trường sư phạm.
Cô giáo Thủy trong một giờ dạy trên lớp |
Đ.X |
Khoảng 7 năm dạy học xa nhà, cô Thủy được chuyển công tác về Trường THPT Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng). Cũng chính nơi đây, cô ấp ủ phương pháp dạy học độc đáo, hấp dẫn. Bài giảng của cô Thủy luôn là kỷ niệm đẹp với các thế hệ học sinh, linh hoạt và đầy sáng tạo. “Để lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên phải thân thiện, tạo không khí giờ học thoải mái. Thân thiện không phải là dễ dãi mà giảm bớt áp lực, tránh căng thẳng. Giáo viên phải từng bước dẫn dắt, hướng dẫn học sinh bằng hệ thống câu hỏi gợi mở, bằng chuỗi hoạt động hợp lý để các em tự khám phá và chiếm lĩnh tri thức”, cô Thủy nói.
Tiết học hấp dẫn như sân khấu
Cô Thủy luôn muốn giờ học nhẹ nhàng nhưng đầy chất văn, tạo niềm hứng thú cho học sinh. Cho nên, sau khi học sinh cơ bản đã nắm được kiến thức, giáo viên chốt và tiếp tục “rèn” kỹ năng nói và viết. “Có rất nhiều phương pháp, như dạy học theo hình thức dự án, hợp tác, đóng vai, tình huống, kỹ thuật sơ đồ tư duy… Cũng có các tiết dạy phát biểu theo chủ đề, luyện tập bảo tồn văn hóa dân tộc qua hình thức thuyết trình và thực hành một trò chơi dân gian. Có tiết học dưới hình thức sân khấu hóa, cho học sinh đóng vai các nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, như Chữ người tử tù, diễn cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục. Hoặc sân khấu hóa tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam”, cô Thủy nói.
Cô Thủy (giữa) được trao Giải thưởng Võ Trường Toản |
Đ.X |
Tất nhiên, theo cô Thủy, việc thay đổi phương pháp dạy học ở môn ngữ văn không phải là phủ nhận hoàn toàn phương pháp dạy học cũ mà là kết hợp linh hoạt, tổ chức cho học sinh hoạt động nhiều hơn, chủ động hơn. Học sinh không thụ động đến mức ngồi nghe giáo viên thuyết giảng. “Phương pháp dạy học mới không cần ghi chép nhiều mà dạy thế nào để học sinh nắm kỹ năng để áp dụng viết và nói một kiểu bài tương tự”, cô Thủy chia sẻ.
Học sinh được thực hành trò chơi dân gian và “nhập vai” nhân vật trong truyện |
Đ.X |
Cũng chính tư duy thay đổi cách tiếp cận, phương pháp dạy học “nhập vai” đã khiến bao thế hệ Trường THPT Ngũ Hành Sơn mỗi khi nhắc đến tiết học ngữ văn của cô Thủy đều có cảm giác xao xuyến. Em Phan Thị Hoài Nhi (lớp 12/10) mỗi khi học môn ngữ văn của cô Thủy đều cảm thấy có “sức sống”, như được khám phá nhiều vùng đất mới lạ, nhiều tâm hồn cao cả, hành động tử tế… Tất cả đều do cô Thủy đã “hô biến” giảng đường thành sân khấu. Học sinh cũng trở nên tự tin khi được hóa thân, nhập vai vào nhân vật. “Chúng em được hóa thân vào nhân vật như một diễn viên kịch chuyên nghiệp, từ đó có thể thấu hiểu được trọn vẹn hơn những cảm xúc, thân phận của nhân vật”, Hoài Nhi tâm sự. Cô Thủy cũng chính là người đỡ đầu cho Hoài Nhi trong gần 1 năm qua. Biết gia đình Hoài nhi khó khăn, trong năm học mới này cô mua sách vở, áo quần tặng em.
Cô Huỳnh Thị Minh Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn, cho rằng có rất nhiều điểm sáng trong phương pháp dạy học của cô Thủy: luôn đổi mới để tiết dạy và hoạt động ngoại khóa cuốn hút học sinh và thực sự là người “truyền lửa” cho rất nhiều thế hệ. Không những vậy, cô Thủy luôn giúp đỡ đồng nghiệp mới vào nghề, xứng đáng là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, là giáo viên giỏi cơ sở, nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và giải thưởng Võ Trường Toản (năm 2017)...
Bình luận (0)