Ai cũng muốn có một hàm răng đều đặn, thẳng thớm. Nhưng nếu lỡ răng mọc lô nhô thì phải làm sao? Đi niềng là giải pháp cho bạn!
|
Ngày xửa ngày xưa, hễ ai bị răng khểnh, răng hô, răng “nhấp nhô gợn sóng” thường phải chấp nhận để vậy suốt đời. Giờ đây, với người có điều kiện, việc “hô biến” hàm răng lệch lạc không quá khó, tất nhiên cũng khá mất thời gian, công sức. Dưới đây là tư vấn của bác sĩ Lê Bích Vân, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Quân y 175 về việc chỉnh sửa, niềng răng.
Khi nào nên niềng ?
Khi gặp tình trạng bị sai lệch khớp cắn (như răng chen chúc, hô, móm...) ảnh hưởng tới thẩm mỹ và sức khỏe răng miệng, giảm chức năng ăn nhai. Một số trường hợp khớp cắn lệch lạc trầm trọng có thể khiến khổ chủ khó phát âm. Răng mọc lộn xộn còn gây khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng, làm tăng nguy cơ sâu răng và bệnh nha chu.
Sai khớp cắn tạo những điểm vướng cộm cản trở sự vận động giữa 2 hàm, từ đó có thể gây ra sang chấn khớp cắn làm mòn răng, lung lay răng, chết tủy răng. Tình trạng này có thể gây ra những rối loạn chức năng ở khớp thái dương hàm, làm người bệnh đau mỏi vùng khớp này.
Đối với những người gặp các vấn đề trên, niềng răng - chỉnh nha được coi là giải pháp. Niềng răng - chỉnh nha là phương pháp sử dụng các khí cụ nha khoa để sắp xếp lại các răng mọc lệch lạc, hô, móm, thưa... mang lại cho bạn vẻ đẹp thẩm mỹ, tạo khớp cắn tốt, đem đến lợi ích cho sức khỏe.
Ảnh: Shutterstock
|
Tuổi nào bắt đầu niềng ?
Chỉnh răng phòng ngừa cần thực hiện sớm ngay khi trẻ bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn (khoảng 6 - 7 tuổi), để điều chỉnh cho hàm răng vĩnh viễn mọc ngay ngắn và đều hơn, giúp cho việc nắn chỉnh toàn diện ở lứa tuổi đã thay hết răng sữa (khoảng 12 tuổi) trở nên dễ dàng và đạt kết quả tốt.
Nếu không được điều trị chỉnh nha trẻ em sớm, ngoài hậu quả là ảnh hưởng đến vẻ thẩm mỹ của khuôn mặt, răng mọc chen chúc, lệch lạc gây khó khăn trong việc giữ vệ sinh răng miệng làm tăng tỷ lệ sâu răng và bệnh nha chu, một khớp cắn xấu có thể ảnh hưởng đến hoạt động nhai.
Chỉnh nha trẻ em sớm giúp đơn giản hóa giai đoạn chỉnh nha toàn diện về sau. Trường hợp có lệch lạc trầm trọng về xương hàm, nếu để đến thời điểm trẻ đã lớn, sẽ không thể điều trị được bằng các phương pháp chỉnh nha can thiệp và toàn diện đơn thuần mà phải dùng phương pháp phẫu thuật phức tạp, tốn kém và khó có thể có được kết quả hoàn hảo.
Việc chỉnh nha có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi, thường thì độ tuổi niềng răng càng cao thì thời gian bạn phải đeo niềng răng càng lâu.
Đeo niềng trong bao lâu ?
Vấn đề thời gian luôn được tất cả bệnh nhân quan tâm từ khi bắt đầu có kế hoạch niềng răng. Hầu như ai cũng muốn tháo niềng răng trong thời gian sớm nhất, vì mang niềng răng trong thời gian dài khiến họ cảm thấy khó chịu, mất thẩm mỹ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Thời gian niềng răng phụ thuộc nhiều yếu tố: tình trạng lệch lạc khớp cắn răng miệng, độ tuổi, phương pháp và cách bạn tuân thủ theo lịch trình của bác sĩ. Thời gian niềng răng tính từ lúc mang niềng đến lúc tháo mắc cài trung bình từ 12 đến 28 tháng. Một số trường hợp cá biệt như răng ngầm, thời gian có thể lâu hơn đôi chút.
Chăm sóc răng miệng sau khi niềng thế nào ?
Các khí cụ mắc cài hay khay niềng trên răng phần nào gây ra một chút khó khăn cho bạn trong việc ăn uống, phát âm, đặc biệt là việc vệ sinh răng miệng. Thế nên, bạn cần sử dụng bàn chải lông mềm, kích thước phù hợp với khuôn miệng để vừa có tác dụng làm sạch miệng hiệu quả vừa không gây tổn thương cho răng và nướu. Đặc biệt với những bạn đang thực hiện mắc cài niềng răng, cần sử dụng bàn chải chuyên dụng. Nên sử dụng bàn chải và kem đánh răng có chứa fluor, nhẹ nhàng tác động một lực vừa phải trên răng và khí cụ chỉnh nha. Nên đặt bàn chải nghiêng một góc khoảng 45 độ so với mặt răng, chuyển động bàn chải xoay tròn nhẹ, đánh răng từ dưới lên và từ trên xuống, tránh chải răng kéo ngang bề mặt răng. Thời gian đủ để làm sạch răng là khoảng từ 2 - 3 phút.
Việc đánh răng thông thường không thể giúp bạn làm sạch triệt để những thức ăn, mảng bám còn sót lại trong khoang miệng. Vì vậy bạn nên sử dụng chỉ tơ nha khoa để làm sạch răng.
Niềng răng có đau không ?
Sau khi gắn mắc cài, trong vòng 1 tuần bạn sẽ có cảm giác lạ lạ, vướng víu khi ăn nhai. Môi, má và lưỡi cũng có thể trở nên bị kích thích 1 - 2 tuần để trở nên dẻo dai và quen với các bề mặt của niềng răng. Nhưng đây chỉ là cảm giác mới lạ khi có một vật thể lạ xuất hiện, sau 1 tuần cảm giác ấy sẽ giảm dần.
Trong suốt quá trình điều trị, cứ 4 tuần là bạn phải tái khám, mỗi lần khám bác sĩ sẽ tăng lực lên mắc cài, thay thun hoặc thay dây cung và cứ mỗi lần như thế răng bạn sẽ có độ dịch chuyển. Dịch chuyển răng đồng nghĩa với việc bạn thấy hơi đau (chứ không quá đau lắm như bạn tưởng), sau vài ngày mức độ sẽ giảm dần. Mức độ chịu đựng, độ nhạy cảm của từng người khác nhau nên có những trường hợp không hề đau hay ê buốt mặc dù bác sĩ tăng lực mắc cài. Tuy nhiên, điều này có thể được thuyên giảm bằng cách vệ sinh miệng bằng nước súc miệng hoặc một chút nước muối ấm.
Chế độ ăn uống cần chú ý điều gì ?
Bạn không nên ăn những loại thực phẩm có độ cứng và giòn, cần lực cắn và nhai mạnh. Tránh ăn những loại thức ăn giòn, dẻo, dính và cứng như bắp rang, đậu phộng và kẹo cứng vì cần phải nhai nhiều có thể làm đứt niềng răng hoặc làm bung mắc cài khiến bạn cảm thấy khó chịu; không tạo thêm áp lực nhai cắn lên răng.
Cần tránh ăn đồ ngọt, uống soda. Các loại thức ăn có đường và giàu tinh bột sinh ra a xít và bợn răng, do đó có thể gây sâu răng và làm phát triển các bệnh về lợi. Nên tránh uống trà, nước ép trái cây và những đồ uống tối màu hoặc có màu sáng. Theo nguyên tắc chung, bạn cũng tránh luôn cả những loại kẹo có màu sắc rực rỡ và bất cứ thức ăn, thức uống mà bạn cho rằng có màu nhân tạo. Đặc biệt là kẹo cao su, caramel thì không nên ăn khi bạn đang trong quá trình niềng răng. Cũng không nên làm những điều sau: nhai đá, mút ngón tay, thở bằng miệng quá nhiều, cắn môi và lấy lưỡi đẩy răng.
Bình luận (0)